Bình mới, rượu mới
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 15-1 đã công bố Sách Trắng quốc phòng của họ. Đây tất nhiên là động thái bình thường trong hoạt động quốc phòng của mỗi quốc gia, nhưng điều gây chú ý lần này là việc quân đội Hàn Quốc đã xóa cụm từ “kẻ thù” khi đề cập đến quân đội và chính quyền Triều Tiên.
Trong tài liệu được xuất bản 2 năm một lần của năm 2018, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng xóa các cụm từ được xem là mang tính khiêu khích như “Đáp trả và Trừng phạt Triều Tiên trên quy mô lớn” (KMPR), một kế hoạch nhằm tước quyền lãnh đạo của Triều Tiên trong một cuộc xung đột quy mô lớn, cũng như kế hoạch “Kill Chain” nhằm phát hiện và ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên.
Sách Trắng Quốc phòng Hàn Quốc được xuất bản cả bản cứng và bản mềm, đúng vào thời điểm Seoul đang thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và kiểm soát vũ khí với Bình Nhưỡng với hy vọng đẩy nhanh mục tiêu kiến tạo hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Trong Sách trắng Quốc phòng mới nhất này, cụm từ “kẻ thù” vẫn được sử dụng nhưng ám chỉ đến mối đe dọa an ninh quốc gia rộng lớn hơn. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ: “Cụm từ kẻ thù được mô tả là khái niệm không chỉ bao gồm mối đe dọa từ Triều Tiên nhưng cũng là mối đe dọa phi quân sự và xuyên quốc gia, cũng như các mối đe dọa tiềm tàng gia tăng”. Sách Trắng cũng nêu rõ Seoul sẽ có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi kịch bản, trong đó có việc đối phó với vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên trong khi cân nhắc thúc đẩy quan hệ xuyên biên giới bằng các nỗ lực giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin sau 3 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều trong năm 2018”.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, thời điểm 50 người Hàn Quốc thiệt mạng trong các cuộc tấn công mà Seoul cáo buộc tội cho Bình Nhưỡng, cụm từ “kẻ thù” không được nói đến, dấu hiệu cho thấy mối quan hệ tốt hơn giữa các đối thủ. Việc xóa bỏ cụm từ “kẻ thù” với Triều Tiên cũng phản ánh các nỗ lực hòa bình hiện nay. Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự phản đối của hầu hết là các chính trị gia bảo thủ, vì họ cho rằng, điều này có thể làm suy yếu vị thế phòng thủ của Hàn Quốc, bằng cách làm mất dần nhuệ khí và kỷ cương quân đội, trong khi năng lực hạt nhân và tên lửa Triều Tiên vẫn không thay đổi.
Theo các thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng mà hai bên đạt được sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 9-2018, hai miền Triều Tiên phá hủy một số tiền đồn bảo vệ tiền tuyến của họ, thiết lập các vùng đệm dọc biên giới và phi quân sự hóa một làng biên giới chung. Đây là những động thái được các nước hoan nghênh. Tuy nhiên, nhiều nhân vật bảo thủ ở Hàn Quốc lại phản đối, cho rằng, Seoul không nên nhất trí về các chương trình giảm vũ khí thông thường vì mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên vẫn không thay đổi.
THANH VĂN