Bình Thuận đã trở thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia

Thứ tư, 15/02/2017 08:42

(Cadn.com.vn) - UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch đẩy mạnh các giải pháp phát triển du lịch đến năm 2020, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, Mũi Né là khu du lịch quốc gia; từng bước xây dựng Phú Quý là điểm du lịch quốc gia, Phan Thiết trở thành đô thị du lịch.

Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Thuận cho biết, với bờ biển dài gần 200km và được thiên nhiên ưu đãi, những năm gần đây, tỉnh đã khai thác có hiệu quả các loại hình kinh tế du lịch ven biển, nhất là thể thao trên biển; tổ chức các sự kiện lễ hội, văn hóa truyền thống miền biển... Tính đến tháng 1-2017, toàn tỉnh có 388 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất 6.180 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là 54.072 tỷ đồng (trong đó có 23 dự án đầu tư nước ngoài); có một số dự án có quy mô lớn từ 200-500ha. Cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng với 417 cơ sở lưu trú với tổng số 13.120 phòng và hơn 300 căn hộ, biệt thự cho khách du lịch thuê.

Bãi biển Hòn Rơm, khu du lịch quốc gia Mũi Né. Ảnh: phanthietvn.com

Bình Thuận hiện đã trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao, du lịch tín ngưỡng, du lịch MICE... Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận; giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động các vùng ven biển. Mặt khác, du lịch phát triển đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

* Trong năm 2016, lượng du khách đến Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng và đón khoảng 4,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2015; trong đó có khoảng 503.800 lượt khách quốc tế, tăng 11,2% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 9.046 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2015. Bình Thuận phấn đấu đón hơn 5 triệu lượt du khách trong năm 2017.

Mục tiêu của Bình Thuận đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Thu hút 7 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân khách quốc tế từ 12-14%/năm, khách nội địa từ 10-12%/năm, đóng góp 10% GRDP của tỉnh. 

Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Bình Thuận tập trung thực hiện 10 giải pháp. Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về du lịch; rà soát, điều chỉnh bổ sung và xây dựng quy hoạch, đề án phát triển du lịch; thực hiện tốt liên kết vùng. Đáng chú ý là chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh - Bình Thuận – Lâm Đồng mà trọng tâm là sản phẩm “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né”. Tỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu điểm đến. Ngành Du lịch đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách quản lý đặc thù thu hút đầu tư; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường quản lý nhà nước về môi trường, bảo đảm an toàn cho du khách.

Nguyễn Thanh