Bình yên Điện An

Thứ năm, 05/04/2018 12:58

Là xã mới lên phường đô thị của TX Điện Bàn (Quảng Nam), P. Điện An có diện tích hơn 1 triệu ha với 12 khối phố, 61 khu dân cư. Trong đó, có 12 tổ bảo vệ dân phố cùng 57 tộc họ. Là địa bàn có tuyến QL1A đi qua và đường DT609 kết nối giữa các địa bàn giáp ranh và khu dân cư; có lưu lượng lớn công nhân làm việc tại KCN và cụm công nghiệp đến ở, sinh hoạt khiến tình trạng TTATXH ở P. Điện An khá phức tạp. "Trách nhiệm đặt ra cho những người làm nòng cốt trong việc giữ gìn ANTT ở địa phương phải trăn trở. Làm thế nào để vận động, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm", ông Nguyễn Văn Phước-Chủ tịch UBND P. Điện An cho biết. Từ đó, các đơn vị luôn xác định công tác xây dựng PTTDBVANTQ, củng cố nhân sự hiệu quả của các mô hình là một trong các mục tiêu quan trọng thường xuyên và liên tục, dựa vào sức mạnh của quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ phường đến khối phố để góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương. Các mô hình về "Tự phòng, tự quản về ANTT" tại Điện An đều được các cấp, các hội đoàn thể chú trọng, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia gìn giữ ANTT, hòa giải các mâu thuẫn cơ sở, chủ động cảm hóa, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần đối với các đối tượng phạm tội và lầm lỡ để họ tái hòa nhập cộng đồng, giúp nhau làm kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư, xây dựng tộc họ văn hóa...

Đại diện phường Điện An (bìa trái) nhận Cờ thi đua xuất sắc trong PTTDBVANTQ năm 2017 do Bộ Công an trao tặng.

Theo Phó CAP Điện An Lê Quang Ánh, trên địa bàn phường có 57 tộc họ, đến nay đã có 19 tộc đăng ký xây dựng tộc họ văn hóa và được UBND phường công nhận 6 tộc văn hóa. Đó là động lực, mục tiêu để tộc họ không ngừng vận động con cháu, phát huy truyền thống gia đình, dòng tộc và truyền thống cách mạng của quê hương, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương bằng nhiều hình thức, đã trở thành ý thức trách nhiệm của các thành viên trong gia tộc. Với thế mạnh đó, các ngành, đoàn thể đã tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình tự phòng, tự quản ở khu dân cư. Kết quả rà soát, củng cố, kiện toàn đến nay các mô hình tiêu biểu về ANTT phát huy hiệu quả như: mô hình "Tiếng mõ an ninh", mô hình 1+4, tham gia ký kết liên tịch thành mô hình 3 quản ở Trường Phan Châu Trinh trong công tác quản lý học sinh về việc chấp hành pháp luật và nội quy quy định của nhà trường.

Ngoài ra, mỗi hội đoàn thể đều triển khai xây dựng một mô hình từ mô hình 1+3, "5 không và 5 có" của Hội Cựu chiến binh; mô hình "Chi hội tự quản về ANTT" của Hội Nông dân đến "Đoàn thanh niên nói không với ma túy và tệ nạn xã hội" của Đoàn Thanh niên. Bên cạnh đó kết hợp với các mô hình còn có các phong trào được phát động tiêu biểu như: Hội người cao tuổi với phong trào "tuổi cao gương sáng", "ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo"; Hội Cựu chiến binh với phong trào "Cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo làm kinh tế giỏi", "Xây dựng gia đình cựu chiến binh văn hóa"; Hội Nông dân và Hội Phụ nữ với phong trào "Nông dân với pháp luật", "Phụ nữ với pháp luật"... "Các mô hình tự phòng, tự quản về ANTT là mô hình vừa có tính đặc thù, vừa mang tính phổ biến, có tác dụng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả đảm bảo ANTT tại cơ sở, là nền tảng để xây dựng, củng cố và đẩy mạnh  PTTDBVANTQ ở khu dân cư. Cùng với các mô hình, tổ tự quản luôn được phát huy và ngày càng thiết thực, đấy thật sự là những "cánh tay" nối dài của chính quyền và công an trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chính sách, pháp luật và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại địa bàn dân cư", ông Ánh trao đổi.

Với việc áp dụng thành công nhiều mô hình "Tự phòng, tự quản về ANTT" nên P.Điện An luôn là điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và vừa vinh dự được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc trong công tác giữ vững ANTT địa phương.

PHI NÔNG