"Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng dân

Thứ sáu, 13/12/2019 17:10

Bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, 10 năm qua, có gần 175 lượt đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn TP Đà Nẵng đã tham gia làm công tác dân vận, bê-tông hóa gần 50km đường liên thôn, kiệt hẻm, kiên cố hơn 7km bờ kè và nạo vét hàng trăm hệ thống kênh mương tưới tiêu đáp ứng thời vụ sản xuất nông nghiệp... đã giúp H. Hòa Vang về đích Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trước thời hạn chung của cả nước.

Bộ đội Tiểu đoàn Trinh sát pháo binh 75 giúp nhân dân Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong) làm đường giao thông nội đồng.

Các đơn vị đã để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng nhân dân địa phương; góp phần xây dựng, củng cố thêm tình đoàn kết: "Đi dân nhớ, ở dân thương, làm dân tin".

Nhiều nông dân thôn Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong) kể lại, tháng 7-2013, đường vào cánh đồng Gò Giảng nắng nóng hầm hập, rát bỏng đôi chân nhưng các anh bộ đội Tiểu đoàn Trinh sát pháo binh 75 vẫn hành quân về đây giúp dân làm 700m đường bê-tông nội đồng. Điểm lấy nước xa, đường đầy bụi, nhiều tấm thân trần phơi dưới nắng sàng cát, trộn hồ... Lúc đầu, bà con nơi đây chưa thật sự tin tưởng vào những khuôn mặt các chiến sĩ trẻ bởi công việc đổ bê-tông rất nặng nề và phải có tay nghề. Song chỉ sau vài ngày, tận mắt chứng kiến các chiến sĩ trẻ dần thành thục trong việc san lấp mặt bằng, bà con trong thôn liền lập tức xắn tay áo phụ giúp.

Không giấu giếm niềm vui khi nhớ lại hình ảnh con đường vốn là nỗi ám ảnh của bà con nơi đây mỗi mùa mưa, nước từ trên cao chảy xiết gây sạt lở đường, tạo thành các hang hục ngập nước, rất nguy hiểm... "Không riêng gì lớp người cao tuổi mà bọn trẻ trong thôn cũng mừng lắm, bây giờ chúng đi học chẳng còn sợ lấm bùn. Trước đây, đoạn đường này đã được dự kiến thi công, vật liệu đầy đủ nhưng ngặt nỗi cư dân thưa thớt, không đảm bảo công lao động nên trì trệ nhiều năm liền. Nếu không có bộ đội cùng các lực lượng khác tham gia làm đường thì người dân trong thôn chúng tôi sẽ khó thi công xong. Bây giờ nhìn tuyến đường thông thoáng, thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất, bà con lại nhớ các anh bộ đội nhiều lắm", ông Trần Văn Tâm bộc bạch.

Cuối năm 2017, trời mưa to cùng với việc thủy điện ở Quảng Nam xả lũ, mực nước sông Yên đột ngột dâng cao, tuyến ĐH409 (đoạn qua thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến) bị nước lũ chia cắt hoàn toàn, hàng chục tấn bèo trôi theo dòng chảy sông Tây Tịnh tồn đọng ở cầu Bến Giang làm tắc nghẽn giao thông. Để giúp người dân khắc phục hậu quả, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trường Quân sự Quân khu 5 nhanh chóng có mặt, hỗ trợ địa phương trục vớt bèo, khơi thông dòng chảy để người dân và các phương tiện lưu thông đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, mỗi khi xảy ra lũ thì hàng trăm héc-ta lúa vụ hè-thu ở các cánh đồng vùng trũng thấp như: La Châu, Hương Lam, Phú Sơn (xã Hòa Khương) lại bị nước nhấn chìm; trong lúc người dân lại gặp khó khăn về lao động. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương vừa vận động nông dân khẩn trương xuống đồng thu hoạch, vừa liên hệ với Tiểu đoàn 355, Vùng 3 Hải quân đóng quân trên địa bàn về giúp dân gặt lúa nhằm hạn chế những thiệt hại do lũ lụt gây ra. Nhìn các chiến sĩ trẻ lội bì bõm trên các thửa ruộng đầy nước, lão nông Phùng Thôi (thôn La Châu) nói trong niềm vui tột cùng: "May mà có đơn vị bộ đội về gặt giúp. Nếu không thì chắc chẳng còn hạt lúa nào. Cánh đồng nơi đây nằm trong vùng trũng thấp nên mỗi lần lũ lụt là nước ngập lút cả bông, nếu không kịp thu hoạch thì thóc sẽ nẩy mầm hết"...

Có thể nói, với truyền thống lịch sử 75 năm, danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ" đã trở thành một trong những giá trị tiêu biểu của thời đại mới. Đây cũng là niềm vinh dự lớn lao đối với những người lính "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu". Trong kháng chiến hay hòa bình, mọi hoạt động của "Bộ đội Cụ Hồ" đều lấy phụng sự nhân dân là mục tiêu lý tưởng; gắn bó máu thịt với nhân dân và tôn trọng, phát huy, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; chịu sự giám sát của nhân dân và dựa vào nhân dân để xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Đến nay, nhiều công trình, phần việc bộ đội làm từ những năm trước ở vùng nông thôn Hòa Vang vẫn đang phát huy giá trị trong đời sống, như hỗ trợ an sinh, khám chữa bệnh cho người nghèo, làm đường giao thông nông thôn, gặt lúa giúp dân chạy lũ; hoặc đơn giản là việc dọn vệ sinh trường lớp sau mỗi lần mưa bão để không ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu... cũng đủ cho thấy hình ảnh các anh bộ đội thật gần gũi, thân thiết. "Cứ thế, từng giọt mồ hôi của các anh đổ xuống, không thể nào "đong, đếm" được.  Hơn ai hết, chính người dân ở các địa phương được hưởng lợi mới thấy rõ sự đổi thay đó. Khi bộ đội về đây, mọi người càng góp công, góp của để chung sức xây dựng quê hương mình thật đổi mới. Cho nên, mỗi lần nghe bộ đội về làm công tác dân vận, bà con ai ai cũng vui mừng, mong được đón các anh về sinh hoạt cùng với gia đình mình", Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí xác nhận.

VY HẬU