Bờ lũy Quảng Ngãi: Câu chuyện lịch sử và giá trị di sản

Thứ tư, 30/12/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Bờ Lũy dài khoảng 300km được dựng lên từ khoảng trước thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, bằng đất và đá là kết quả của quá trình chung tay vun đắp công phu, biểu hiện sự đoàn kết, giao lưu văn hóa, kinh tế của cộng đồng các dân tộc: Kinh, H’Rê, Cor... trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Bờ Lũy là một thực thể có thật, đang hiện diện và mang trong mình một câu chuyện lịch sử hấp dẫn, một câu chuyện lịch sử không phải ở đâu cũng có,  song hành với một di sản vật chất hoành tráng...

Theo kết quả mới nhất của nhóm nghiên cứu, Bờ Lũy do Tổng trấn miền Nam lúc bấy giờ là Lê Văn Duyệt xây dựng. Phía tây Bờ Lũy chạy dọc theo chân dãy Trường Sơn, vượt lên dốc cao đến điểm chiến lược, tạo thành đường biên chắn giữa đồng bằng và cao nguyên, với tên gọi chính thức là “Trường lũy tĩnh mãn”. Bờ Lũy đi qua 8 huyện của tỉnh Quảng Ngãi (Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ) và 2 huyện của tỉnh Bình Định (An Lão, Hoài Nhơn).

Trên địa hình có độ dốc lớn, lũy được xây hoàn toàn bằng đá, kỹ thuật này giúp cho lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt ngay cả khi có hiện tượng bất thường về thời tiết như mưa lũ, gió lớn. Bên cạnh đó, Bờ Lũy vắt qua vô số kênh lạch và mở ra nhiều cửa, mỗi cửa lại có đồn và điểm giao lưu cho dân cư hai vùng. Đặc biệt, nhiều nơi quy mô của lũy rất lớn, có đoạn cao đến 4m, chân lũy rộng 6m, mặt trên rộng 2,5m như ở Ba Động (Ba Tơ).

Hiện nay, ở các điểm núi cao, hiểm trở, di tích gần như còn nguyên vẹn, nhất là phần lũy xây bằng đá, kỹ thuật xếp đá hoàn hảo, thể hiện cách sử dụng loại vật liệu này mang tính chuyên nghiệp. Trên địa hình bằng phẳng Bờ Lũy được đắp bằng đất, nơi sườn núi có độ dốc vừa phải lũy được đắp cốt đất ở trong và ốp đá ở bên ngoài. Tại một số địa điểm như xóm Đèo, đồn Thiên Xuân (H. Nghĩa Hành), các nhà khoa học đã thám sát, khai quật và phát hiện được rất nhiều đồ gốm không men, đất nung, sành...

Không riêng gì Bờ Lũy, các đồn bảo vệ dọc theo lũy cũng khá đa dạng, chủ yếu đồn được xây bằng đất, đá có mặt bằng hình vuông hoặc chữ nhật, có cửa ra vào và gần như nằm ngay sát lũy về phía dưới. Một số đồn bảo vệ đóng ở những vị trí quan trọng như nơi sông lớn chảy qua và được xây dựng bằng đá rất kiên cố, nằm tách biệt khỏi lũy, như một cứ điểm bao quát một khu vực rộng lớn... Các kết quả nghiên cứu đã làm sáng tỏ một chi tiết gây kinh ngạc, đó là dọc theo Bờ Lũy, có tới 115 đồn, ở mỗi đồn lại có 10 lính canh giữ. Điều này chỉ ra rằng Bờ Lũy được xây dựng theo kết cấu phòng thủ “thoáng”, cho phép dân cư hai miền xuôi - ngược qua lại dễ dàng, đồng thời vẫn kiểm soát được hoạt động đi lại của họ...

 Một đoạn Bờ Lũy chạy qua H. Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.

Ngày nay, người dân H. Mộ Đức không gọi “Bờ Lũy” như người dân nơi khác mà gọi là “Đường cái quan thượng”... Qua một số chứng cứ khảo cổ khác, Bờ Lũy còn đóng vai trò tuyến đường lớn và nó nhằm bảo vệ cho một con đường trước đó. Con đường này chính là con đường huyết mạch Bắc – Nam, nó đảm bảo cho việc đi lại, giao thương trên toàn lãnh thổ, nếu bị chia cắt, an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nó lại tiếp tục là đường hành quân, vận chuyển lương thực của bộ đội và trở thành một phần của đường mòn Hồ Chí Minh. Chính nó góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của hai cuộc kháng chiến.

Ông Đỗ Ngọc Nhung - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, H. Nghĩa Hành, cho biết: “Trong chiến tranh, Bờ Lũy trở thành điểm trú ẩn và chiến đấu của dân địa phương và bộ đội. Con đường chạy theo lũy còn trở thành một phần của đường mòn Hồ Chí Minh, giúp vận chuyển lương thực của bộ đội. Sau chiến tranh, do nhu cầu phát triển kinh tế, nhiều đoạn lũy bị mất đi để phát triển đường sá, mở rộng khu dân cư, canh tác... Hiện nay chỉ còn lại vài điểm lũy với chiều dài vài ki-lô-mét. Tuy nhiên, đến nay xã chưa nhận được một quyết định, chính sách hay dự án nào để bảo vệ Bờ Lũy. Dù ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của Bờ Lũy, nhưng chúng tôi chỉ có thể vận động bà con địa phương không xâm hại Bờ Lũy, chứ không thể cấm bà con được”.

Bờ Lũy ở đây còn chứa đựng một tiềm năng du lịch to lớn, kết hợp với phong cảnh núi sông tuyệt đẹp của xứ Quảng. Những con đường cổ bên cạnh một bờ lũy dài dằng dặc, vượt sông qua núi, xuyên qua những cộng đồng dân cư miền xuôi, miền ngược với những xóm làng tươi đẹp còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những làng nghề dệt của người Hrê, những tiếng chim, đàn, sáo, lời hát quyện hương rượu cần; những ruộng mía, vườn rau của người Kinh nơi Bờ Lũy xanh tốt bời bời...

Nếu tổ chức tốt, chúng ta có thể vừa bảo vệ được Bờ Lũy, vừa phát triển kinh tế vùng nông thôn, miền núi Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Sở đang hoàn tất hồ sơ để sớm công nhận Bờ Lũy là di tích cấp tỉnh để qua đó có biện pháp bảo vệ cụ thể. Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục làm hồ sơ để được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Hiện Sở đang phối hợp với Viện Khảo cổ học lập thủ tục khai quật một số điểm dọc theo thành lũy; tổ chức hội thảo thu thập ý kiến các học giả trong và ngoài nước để khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của di tích thành lũy cổ này.

Bài, ảnh: Lê Hùng