Bỏ qua cổ đông nhỏ, doanh nghiệp đối mặt nguy cơ kiện tụng!

Thứ hai, 28/09/2020 16:19

Hiểu một cách tương đối “Cổ đông nhỏ” là cổ đông sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhỏ trong công ty cổ phần và không có khả năng chi phối, kiểm soát hoạt động của công ty. Tuy nhiên, theo quy đinh tại Điều 114, Điều 147, Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông thiểu số này vẫn có quyền dự họp, phát biểu và biểu quyết thông qua quyết định tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ, có quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, tổng giám đốc/giám đốc và có cả quyền yều cầu hủy nghị quyết của ÐHĐCÐ nếu thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định. Đơn cử, năm 2014, Công ty CP TCCPXM thua kiện vì không mời cổ đông nhỏ (sở hữu 33.200 cổ phiếu, chiếm 0,0549% vốn điều lệ) tham gia cuộc họp ĐHĐCĐ. Cụ thể, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 của công ty này vì không đảm bảo trình tự, thủ tục mời họp ĐHĐCĐ.

Hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tuy những cổ đông nhỏ không có vai trò quyết định những vấn đề quan trọng của công ty nhưng việc “lãng quên” các cổ đông nhỏ này hoặc bỏ qua những quy định về trình tự, thủ tục thì nghị quyết của ĐHĐCĐ đều có thể bị hủy bỏ và tất yếu gây ra hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Đây hoàn toàn là những sai sót mà doanh nghiệp có thể tránh khỏi. Vì vậy, khi tiến hành họp ĐHĐCĐ, doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục được quy định từ Điều 136 đến 146 Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể: tuân thủ những quy định tại điều lệ của công ty; đảm bảo cổ đông hoặc nhóm cổ đông triệu tập có quyền triệu tập; lập danh sách cổ đông có quyền dự họp; lập chương trình và nội dung cuộc họp; dự thảo nghị quyết của ĐHĐCĐ theo nội dung dự kiến của cuộc họp; danh sách và thông tin chi tiết của các ứng cử viên trong trường hợp bầu thành viên HĐQT, kiểm soát viên; xác định thời gian và địa điểm họp; gửi thông báo mời họp và tài liệu chương trình đến từng cổ đông có quyền dự họp; cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách cổ đông đúng hạn; xác định chính xác tỷ lệ cổ đông thông qua biên bản, nghị quyết ĐHĐCĐ.

  Luật sư PHẠM VĂN THANH

* Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138