Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Đổi mới giáo dục luôn ưu tiên quyền lợi của học sinh
(Cadn.com.vn) - Năm học mới 2014-2015 là năm học có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: Việc đổi mới GD-ĐT, trong đó có xây dựng chương trình - sách giáo khoa mới, đổi mới công tác thi cử và kiểm tra đánh giá sắp tới,… sẽ luôn ưu tiên đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Hiện thực hóa quyết định chiến lược của Nghị quyết 29
Chia sẻ với sự phàn nàn của nhiều học sinh về việc Bộ GD-ĐT đã độc quyền biên soạn sách giáo khoa (SGK), tạo ra một bộ SGK khó hiểu, khó tự học và khó để vận dụng vào đời sống thực tế và những quy định cứng nhắc về các khối thi của kỳ thi "3 chung" (chung đề - chung đợt - chung kết quả) đã tồn tại hàng chục năm nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận thực tế học sinh đang "phải học lệch để tối ưu hóa cơ hội đỗ đại học, phải từ bỏ niềm vui khi khám phá tìm tòi tri thức". Ông cũng chỉ rõ: Chương trình SGK hiện nay được biên soạn theo cách chú trọng truyền thụ kiến thức, thiết kế theo các lĩnh vực khoa học nên nặng tính hàn lâm, quá tải, học sinh không thấy dễ hiểu và không thể tự học.
Nghị quyết 29 đã đi đến một quyết định chiến lược, việc biên soạn Chương trình - SGK mới sẽ theo triết lý giáo dục mới: Đó là chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất từng cá nhân học sinh. Việc truyền thụ kiến thức, tri thức trước đây được coi là nhiệm vụ số một của nhà trường thì nay chỉ là khâu trung gian, là công cụ để giúp học sinh từng bước phát triển, bộc lộ, nâng cao trong quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện kỹ năng, phẩm chất con người mới. Sắp tới Bộ GD-ĐT cũng sẽ không còn độc quyền trong việc xây dựng Chương trình- SGK mới.
Đổi mới thi cử nhưng quyền lợi của người học sẽ được đảm bảo (Ảnh: Học sinh thi đại học năm 2014). |
Công bố phương án thi mới vào đầu năm học
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết: Việc đổi mới thi cử là cần thiết khi những cách thi cũ không còn phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế. Phương án đổi mới thi cử, bao gồm cả đổi mới kiểm tra đánh giá trong quá trình học, thi tốt nghiệp TH phổ thông, thi tuyển sinh đại học đã được nghiên cứu ngay từ khi triển khai xây dựng đề án đổi mới căn bản GD-ĐT. Đến thời điểm này, phương án đã định hình và công bố rộng rãi để lấy ý kiến của toàn xã hội.
Phương án Đổi mới thi cử đã được báo cáo ở Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực. Bộ đã tiếp thu ý kiến góp ý của Hội đồng và tiếp đây Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục sẽ họp. Thủ tướng Chính phủ sẽ nghe báo cáo trực tiếp. Đây là vấn đề liên quan đến đông đảo học sinh, phụ huynh, đến tương lai dân tộc, đến đông đảo các tầng lớp xã hội nên sau khi được xem xét nghiên cứu kỹ, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức và sẽ công bố sớm vào đầu năm học.
Luôn ưu tiên quyền lợi học sinh
Trước những băn khoăn, lo lắng việc đổi mới thi cử sẽ ảnh hưởng đến những thí sinh đã trót "học lệch" theo chương trình-SGK cũ từ cấp học dưới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: "Quyền lợi học sinh luôn được ưu tiên. Quan điểm của Bộ Giáo dục là cần phải thay đổi để có nền giáo dục không lạc hậu, không gây cản trở cho sự phát triển. Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là đột ngột, gây khó khăn cho học sinh, gây căng thẳng cho xã hội. Phải thay đổi căn bản, từng bước và có lộ trình".
Những năm qua, Bộ đã chỉ đạo giảm tải, thay đổi nội dung, đặc biệt là phương pháp dạy và học, kiểm tra trong quá trình học của học sinh,... Trên cơ sở chuẩn bị chu đáo như vậy, việc thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học đã có sự thay đổi, nhất là trong năm 2014 vừa qua. Trước kỳ thi, cũng có những băn khoăn nhưng thực tế cho thấy học sinh và giáo viên đều đón nhận sự thay đổi của kỳ thi một cách nhẹ nhàng, dễ dàng và hào hứng.
Những đổi mới này có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật để tiến tới đổi mới căn bản để đào tạo ra thế hệ trẻ có năng lực đáp ứng yêu cầu nhưng từng bước đi cụ thể đều đảm bảo phù hợp tâm sinh lý, lợi ích của học sinh. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: "Trong quá trình tổ chức phương án thi mới, những phần khó khăn hơn sẽ chỉ thuộc về phía ngành giáo dục và các nhà quản lý nhằm tạo thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh".
Ngọc Anh