Bồi dưỡng học sinh giỏi có giải được tính sáng kiến kinh nghiệm
(Cadn.com.vn) - Đó là nội dung Thông tư số 35/2015 về việc hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng vừa được Bộ GD - ĐT ban hành ngày 31-12-2015, có hiệu lực từ ngày 16-2-2016. Theo đó, giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 1 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh được tính là sáng kiến kinh nghiệm để xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Danh hiệu này là danh dự đồng thời là điều kiện xét nâng lương trước hạn. Cũng theo thông tư này, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên trung học phổ thông, giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên... sẽ được tính sáng kiến kinh nghiệm.
Bồi dưỡng học sinh giỏi là trọng trách nặng nề nhưng nhiều năm nay đó là nhiệm vụ bắt buộc mà không được ghi nhận xứng đáng. Do đó, khi bị phân công nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều giáo viên cảm thấy bị áp lực, không có động lực làm tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, "Thông tư này tạo động lực cho giáo viên thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ", nhiều giáo viên phấn khởi cho biết.
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng chấm dứt cơn "ác mộng" của nhiều cán bộ, giáo viên khi đăng ký các danh hiệu từ "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở" trở lên về làm đề tài hoặc sáng kiến kinh nghiệm. Lâu nay, đúng là các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên thật giả, vàng thau lẫn lộn, không biết đâu mà lần. Cứ đến thời hạn nộp sáng kiến kinh nghiệm là giáo viên gọi điện cho bạn bè đồng nghiệp ở các tỉnh thành khác xin sáng kiến kinh nghiệm, có người thì lên mạng copy về xào xáo, chỉnh sửa rồi đem nộp. Các hội đồng khoa học từ cấp sở trở lên cũng không tài nào kiểm soát nổi. Thêm vào đó, hàng vạn sáng kiến kinh nghiệm chấm, nghiệm thu xong... cất tủ, chẳng ứng dụng, thầy cô, học trò chẳng học được gì.
Nhiều giáo viên nhận định với Thông tư 35, những thành tích, đóng góp cụ thể, nổi bật của cá nhân được ghi nhận và việc xem xét, bình bầu, công nhận các danh hiệu thi đua sẽ diễn ra thuận lợi, đơn giản , rõ ràng, đi vào thực chất, có chiều sâu hơn.
Một Thông tư về thi đua, khen thưởng mà cụ thể, sát thực thế này chắc chắn sẽ có "sức sống" dài lâu trong thực tiễn, tạo nên "cú hích" mới về chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Hoài Thuận