Bolivia khủng hoảng nghiêm trọng, thế giới lo ngại
Nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Bolivia sau nhiều tuần bất ổn, vốn đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Evo Morales từ chức.
Người biểu tình ăn mừng sau khi Tổng thống Bolivia Evo Morales (ảnh nhỏ) tuyên bố từ chức. Ảnh: AP |
Trong tuyên bố mới nhất ngày 11-11, Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Bolivia sau nhiều tuần bất ổn. Ông Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Bolivia kiềm chế tối đa bạo lực và giảm căng thẳng. Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi tất cả các nhân vật chủ chốt nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện tại và đảm bảo sự minh bạch, đáng tin cậy cho cuộc bầu cử mới.
Tổng thống Morales từ chức
Tình hình Bolivia diễn biến hết sức căng thẳng trong suốt những tuần qua kể từ sau cuộc bầu cử hôm 20-10 với các cuộc biểu tình bạo động do phe đối lập phát động với cáo buộc gian lận bầu cử.
Ông Morales được tuyên bố là người chiến thắng, nhưng các cuộc biểu tình nổ ra trên diện rộng phản đối kết quả bầu cử, với nhiều nghi ngờ về kết quả ông giành được chiến thắng tuyệt đối ngay từ vòng 1 sau khi việc kiểm phiếu bị gián đoạn trong thời gian ngắn. Một phái đoàn của Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS) tham gia vào tiến trình kiểm tra kết quả bầu cử và có thông báo cho rằng có nhiều sự bất thường trong quá trình nạp kết quả cuộc bầu cử vào hệ thống. Cơ quan này cho rằng không thể xác định kết quả bỏ phiếu và nghi ngờ chiến thắng của Tổng thống đương nhiệm Morales, đồng thời khuyến cáo hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử để tiến trình bầu cử lại khi hội tụ đầy đủ các điều kiện, trong đó có việc thành lập một cơ quan bầu cử mới.
Giữa lúc làn sóng tấn công của lực lượng biểu tình đang dâng cao, Tổng thống Morales cũng đã nhất trí, kêu gọi tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử nhằm tìm kiếm hòa bình cho đất nước. Tuy nhiên, trong động thái bất ngờ, trước sức ép từ mọi phía, tối 10-11 (giờ địa phương), Tổng thống Morales đã phải tuyên bố từ chức sau gần 14 năm cầm quyền sau làn sóng từ chức của hàng loạt quan chức chính phủ.
“Cuộc đảo chính có dàn xếp”
Quyết định từ chức của ông Morales đưa ra ngay sau khi những người đứng đầu Lực lượng Vũ trang và Tư lệnh Cảnh sát Bolivia đều đề nghị ông từ chức.
Theo các nguồn tin, quân đội và cảnh sát Bolivia yêu cầu Tổng thống Morales từ chức để đảm bảo hòa bình cho đất nước. Tư lệnh quân đội Williams Kaliman đưa ra kiến nghị trên trong thông điệp tại tổng hành dinh của các lực lượng vũ trang ở khu vực phía Nam La Paz. Trong khi đó, Tư lệnh cảnh sát Bolivia Yuri Calderon cũng cho biết họ đồng thuận với nhân dân Bolivia trong việc kêu gọi Tổng thống Morales nên từ chức trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Tổng thống Morales khẳng định, đây là âm mưu chống lại nền dân chủ và là cuộc đảo chính. Thậm chí đã có thông tin về một lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Morales. Trong tuyên bố trên Twitter, ông chỉ trích cái mà ông gọi là lệnh bắt giữ “trái phép” của cảnh sát nhằm vào ông, đồng thời nói rằng “các nhóm bạo lực” tấn công nhà riêng của mình. Nhưng trong các bình luận được phát sóng trên một kênh truyền hình địa phương, một chỉ huy cảnh sát Bolivia khẳng định rằng không hề có lệnh bắt giữ nào được đưa ra đối với cựu Tổng thống nước này.
LHQ và nhiều quốc gia trên thế giới cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Bolivia sau nhiều tuần bất ổn, vốn đã lên đến đỉnh điểm. Nga, Argentine, Venezuela hối thúc các bên ở Bolivia đàm phán, duy trì hòa bình. Moscow cũng nêu rõ, mặc dù chính phủ Bolivia sẵn sàng đối thoại với phe đối lập, nhưng các động thái của phe đối lập giống như “một cuộc đảo chính có dàn xếp”. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng lên án “cuộc đảo chính” nhằm vào đồng minh theo đường lối cánh tả Morales.
KHẢ ANH