"Bốn cùng" ở A Vương
Xã A Vương được thành lập ngày 1-7- 2025 theo chủ trương tổ chức bộ máy hành chính, sát nhập đơn vị tỉnh, xã của Bộ Chính trị trên cơ sở sáp nhập xã AVương và xã Bhalêê, huyện Tây Giang, Quảng Nam (cũ) với 16 thôn, 1.329 hộ dân với 5.426 khẩu.

Với đặc điểm địa hình miền núi, giao thông hiểm trở, đời sống kinh tế còn khó khăn, ngay từ khi thành lập xã, Công an xã A Vương đã ghi dấu ấn với những kết quả tích cực trong đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), xây dựng niềm tin vững chắc với nhân dân.
Trung tá Ngô Văn Thìn- Trưởng Công an xã A Vương cho biết, phương châm "4 cùng" - Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Cơ Tu- đã trở thành sợi dây gắn kết giữa Công an xã và người dân. Hình ảnh các chiến sĩ Công an cùng cuốc đất, gặt lúa, sửa đường, cùng nói tiếng Cơ Tu là nỗ lực để càng thấu hiểu tâm tư bà con hơn. Địa hình hiểm trở, có những thôn như Aunr nằm cách biệt giữa núi rừng trùng điệp phải đi bộ một ngày mới tới, không điện, không mạng viễn thông… nên công tác đảm bảo ANTT, hỗ trợ đời sống bà con đòi hỏi sự quyết tâm lớn của lực lượng. Tuy nhiên, với việc thực hiện "bốn cùng", những cán bộ chiến sĩ Công an tại A Vương đã chiếm chỗ quan trọng trong niềm tin cộng đồng Cơ Tu. Từ đó, người dân tích cực chia sẻ thông tin về ANTT, từ tranh chấp nhỏ trong thôn bản đến các dấu hiệu bất thường ở khu vực biên giới. Gắn bó, sát dân giúp Công an xã A Vương hiểu rõ phong tục tập quán để xây dựng các giải pháp phù hợp trong đảm bảo ANTT.
Một trong những thách thức lớn trong công tác phục vụ nhân dân là việc đưa dịch vụ hành chính công đến vùng sâu, vùng xa như A Vương. Song với tinh thần "địa bàn càng khó khăn, nỗ lực phải càng cao", Công an xã A Vương đã tiên phong triển khai dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ người dân làm căn cước, đăng ký thường trú và các thủ tục hành chính khác. Chi đoàn Công an xã tích cực tham gia vận hành mô hình chính quyền điện tử, giúp người dân làm quen với các ứng dụng như VNeID hay cổng dịch vụ công quốc gia. Trước thực tiễn hạ tầng mạng viễn thông còn hạn chế, người dân chưa quen sử dụng smartphone, các chiến sĩ Công an mang máy tính, điện thoại đến tận thôn bản, kiên nhẫn hướng dẫn bà con từng bước. Hình ảnh các chiến sĩ Công an đến từng hộ gia đình, hỗ trợ từng người đăng ký căn cước trực tuyến, giải thích quy trình bằng tiếng Cơ Tu đã trở thành biểu tượng của sự tận tâm. Hiệu quả của những nỗ lực này rất rõ rệt. Công nghệ số giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, và tăng cường sự minh bạch trong quản lý hành chính. "Trước đây, làm giấy tờ phải đi cả ngày đường, giờ có các anh Công an hướng dẫn, chỉ cần ngồi ở nhà là xong", anh A Lăng Tuấn, thôn A Rầng phấn khởi.

Cũng như các địa phương biên giới khác ở huyện Tây Giang (cũ), Công an xã A Vương đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo để đảm bảo ANTT và hỗ trợ đời sống người dân như "Lá chắn vùng biên", "Nhà tôi có bình chữa cháy", "Tổ liên gia an toàn PCCC" "Cổng trường an toàn giao thông"… Đặc biệt, mô hình "Trao sinh kế, tiếp nhận vũ khí" nổi bật như một sáng kiến điển hình, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, khuyến khích người dân tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế, đồng thời hỗ trợ sinh kế như trao lợn, gà, vịt, giống cây trồng để bà con phát triển sản xuất. Chỉ tính từ ngày 1-7-2025 đến nay, Công an xã A Vương đã tiếp nhận 11 khẩu súng tự chế do người dân tự nguyện giao nộp.
Phát huy vai trò, lợi thế của già làng và trưởng bản, những người có uy tín trong việc gắn kết cộng đồng, Công an xã A Vương cùng các già làng tuyên truyền pháp luật, vận động bà con tham gia giữ gìn ANTT, chú trọng vào công tác phòng chống ma túy, bảo vệ tài nguyên rừng, giữ gìn an ninh biên giới.
Hôm lên A Vương, chúng tôi gặp Đại úy Phạm Ngọc Thủy- một giảng viên trẻ của Trường Đại học An ninh nhân dân được điều động lên tăng cường các địa phương biên giới theo chủ trương của Bộ Công an. Từ giảng đường đại học đến xã biên giới A Vương, Đại úy Thủy đã học tiếng Cơ Tu, đến từng thôn xa xôi để tuyên truyền pháp luật, giúp dân và vận động mọi người tham gia giữ gìn ANTT. Đại úy Thủy chia sẻ, là giảng viên về lĩnh vực đảm bảo an ninh nội địa, để bài giảng được sống động, chất lượng, góp phần đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm đối với học viên thì chất liệu, hơi thở thực tiễn là rất quan trọng. Chính vì vậy, việc được điều động về địa bàn xã biên giới A Vương là một trải nghiệm quý báu.
Công an xã A Vương với phương châm "4 cùng" cùng các mô hình sáng tạo khác không chỉ duy trì, bảo vệ sự bình yên bên dòng A Vương, mà còn viết nên bản tình ca mới trên dải Trường Sơn về tình người, về sự gắn bó máu thịt giữa quân và dân, gieo những mầm hy vọng về sự thay da đổi thịt để cùng miền xuôi bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hồng Thanh