Bóng cười - thú vui nguy hại (Bài cuối: Thiếu chế tài xử lý)
Chưa bàn đến ở góc độ khoa học, nhưng với những gì diễn ra thực tế sau nhiều đêm tận mắt chứng kiến giới trẻ Đà Nẵng sử dụng bóng cười và nhiều cảnh “dở khóc dở cười” của các dân chơi này cũng đủ thấy tác hại của khí cười gây ra. Để xử lý vấn đề này, lực lượng CA đã vào cuộc kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, cũng chỉ dừng lại ở mức tịch thu tang vật, lập hồ sơ xử lý hành chính về hành vi kinh doanh không có giấy phép hoặc hàng hóa không hóa đơn chứng từ. Lý do của việc xử lý này là do chưa có chế tài cụ thể.
Lực lượng chức năng thu giữ 2 bình khí cười do nam thanh niên bỏ lại hiện trường. |
Khí cười là hợp chất vô cơ có tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười. N2O có thể dùng để làm chất gây mê trong y tế, nhưng cũng có tác dụng phụ là gây buồn nôn, ói mửa hậu phẫu đối với một số trường hợp. Theo tìm hiểu từ các nguồn tài liệu cho thấy, khi lạm dụng khí cười làm chất tiêu khiển sẽ gây ra nhiều tác hại, đặc biệt nhất là có thể gây nghiện như nghiện ma túy. Còn một số chuyên gia cảnh báo hít nhiều khí này chắc chắn sẽ bị ngộ độc, rối loạn, thậm chí cả ung thư và các rối loạn khác trong cơ thể. Điều đáng nói nhất là giới trẻ đã lạm dụng khí cười chỉ để tìm sự đê mê, lâng lâng trong cảm giác mà thực chất là ảo giác. Nhờ ảo giác mà các bạn trẻ cảm thấy hưng phấn, vừa hít bóng cười vừa ôm nhau nhảy trong tiếng nhạc ầm ĩ, cuồng loạn và thấy thế mới là cuộc vui đích thực. Điều nguy hại là nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ rất dễ đi đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự, thậm chí là sử dụng ma túy. Bởi vì, khi đã quen cảm giác “phê” với ảo giác, các bạn trẻ rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn. Nếu sử dụng với tần suất nhiều, các cảm giác “phê” của bóng cười không còn đủ mạnh, đủ hấp dẫn thì việc tìm đến các chất kích thích khác mạnh hơn như cỏ Mỹ, cần sa, thuốc lắc, “hàng đá”... là điều khó tránh khỏi.
Việc mua bán loại khí cười này trên địa bàn TP Đà Nẵng khá công khai. Có đối tượng còn lập cả “cửa hàng ảo” trên facebook để rao bán khí cười với giá dao động 1 - 5 triệu đồng tùy theo thể tích bình. Từ một số thông tin, chúng tôi gọi điện vào số 01294.xx.7777 để hỏi mua khí cười. Đầu bên kia một nam thanh niên cho biết, sẵn sàng phục vụ tận nơi các loại bình, bóng cười. Giá cụ thể cho loại bình 1kg là 1 triệu đồng, 2kg là 1,5 triệu đồng, 10kg là 3,3 triệu đồng và loại 20kg là 5 triệu đồng. Nếu khách lạ thì chủ cung cấp ứng thêm 1 triệu đồng tiền vỏ bình. Khi dùng hết thì tiếp tục đưa đến đổi bình khác… Để xử lý vấn đề này, CA các đơn vị tại Đà Nẵng cũng đã vào cuộc. Tại Hải Châu, CAQ Hải Châu đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, CA 13 phường tiến hành kiểm tra, xử lý.
Trung tá Trần Khánh - Phó trưởng CAP Thạch Thang (Q. Hải Châu) cho biết, việc mua bán bóng cười xảy ra tại một số điểm vui chơi về đêm, các quán bar, vũ trường trên địa bàn. Thời gian các đối tượng bán thường rất khuya, kéo dài từ khoảng 22 giờ hôm trước đến 2-3 giờ ngày hôm sau. Để xử lý vấn đề này, CAP Thạch Thang đã chỉ đạo các Tổ tuần tra 8394 tăng cường kiểm tra, xử lý. Thời gian qua, CAP và các Tổ tuần tra 8394 của P. Thạch Thang đã phát hiện, tạm giữ hơn 25 bình khí cười (N2O) của các đối tượng. Tuy nhiên, số đối tượng bán bóng cười được đưa về xử lý thường rất ít, bởi khi phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ, đối tượng sẵn sàng vứt bỏ cả bình lẫn bóng để tránh việc xử lý. Khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ đành phải tạm giữ tài sản vô chủ theo quy định.
Nhiều bình khí cười được CAP Thạch Thang thu giữ. |
Bong bóng dùng để bơm khí cười. |
Đơn cử, 22 giờ ngày 22-2, Tổ tuần tra 8394 của P. Thạch Thang kiểm tra phía trước quán bar số 28-Bạch Đằng thì phát hiện một nam thanh niên bán bóng cười trước vỉa hè. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ, nam thanh niên này bỏ chạy, để lại hiện trường 3 bình khí cười, có chiều cao khoảng 1m. Tiếp đó, 23 giờ 45 ngày 26-2, CAP Thạch Thang tiếp tục kiểm tra phía trước quán bar số 28-Bạch Đằng thì phát hiện Nguyễn Văn Thành (1990, trú P. Bình Thuận, Q. Hải Châu) đang bán bóng cười cho một số khách hàng nên tạm giữ, lập hồ sơ xử lý. Qua làm việc, Thành khai nhận chỉ đi bán bóng thuê cho người khác để hưởng mức tiền công là 150 ngàn đồng cho thời gian từ 22 giờ đến 1 giờ ngày hôm sau. Theo khai nhận của Thành, trước khi bị lực lượng chức năng phát hiện, Thành đã bán được 3 quả bóng cười với giá 100 ngàn đồng/bóng. Trước đó, 23 giờ ngày 21-2, CAP Thạch Thang phát hiện Lê Trần Anh Tú (1996, trú P. An Khê, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đang bơm bóng cười trước quán bar OQ (đường Bạch Đằng) nên tạm giữ để làm việc. Qua đó, Tú khai nhận mua lại một bình khí cười giá 1,5 triệu đồng sau đó đưa đến khu vực nói trên bán cho khách với giá 60 ngàn đồng/bóng thì bị CAP Thạch Thang phát hiện…
Trung tá Trần Văn Khá - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Hải Châu cũng cho biết, trong thời gian qua, qua kiểm tra một số cơ sở kinh doanh, quán bar, vũ trường trên địa bàn, Đội đã thu giữ hơn 30 bình khí cười do không có hóa đơn, chứng từ hoặc kinh doanh không có giấy phép. “Tác hại của bóng cười, khí cười gây ra đối với người sử dụng chẳng khác nào ma túy nhưng hiện nay vẫn còn thiếu chế tài xử lý. Theo quy định của Nghị định 124/2013/NĐ-CP ngày 19-11-2015 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 163/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất... thì mức phạt tối đa đối với kinh doanh khí cưới lên đến 20 triệu đồng” - Trung tá Trần Văn Khá cho biết thêm.
NGUYỄN TUẤN - KHÁNH HUYỀN