Bỗng dưng mất của

Thứ ba, 14/07/2020 07:00

Anh Trần H.K. (1995, trú Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có liên hệ với một đối tượng (chưa rõ lai lịch) trên mạng xã hội facebook để vay tiền mua điện thoại di động trả góp. Đối tượng này đã hướng dẫn anh K. vào cơ sở FPT số 592 đường Điện Biên Phủ (Đà Nẵng) để mua trả góp ĐTDĐ với giá 12 triệu đồng và gặp một nữ nhân viên tên Nguyễn An để làm hồ sơ. Tuy nhiên khi đọc hồ sơ thấy trả góp điện thoại Iphone X với giá 30 triệu đồng nên anh K. không đồng ý. Thế nhưng sau đó, khi qua Cty tài chính FE Credit, anh K. được biết có người giả chữ ký của anh để làm hồ sơ vay mua ĐTDĐ với giá 30 triệu đồng. Chị Sầm T.B.T. (1994, trú Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đang ở nhà thì có số điện thoại 03547... gọi đến nói là nhân viên Ngân hàng FE Credit cho chị vay vốn và yêu cầu chị gửi thông tin cá nhân. Sau đó có số tiền 19.550.000 đồng từ số tài khoản 19034... chuyển vào số tài khoản của chị. Sau khi nhận được số tiền trên, chị T. gọi lại số điện thoại nói trên hỏi tại sao chị không có nhu cầu vay mà vẫn chuyển tiền thì được trả lời sau 15 ngày gửi số tiền đó lại thì hệ thống sẽ tự động hủy. Khoảng 12 ngày sau, số điện thoại trên gọi điện yêu cầu chị T. gửi tiền vào số tài khoản ngân hàng Quân đội miền Bắc (MB) số tài khoản 70401..., tên chủ tài khoản DUONG ANH TAI. Thế nhưng sau đó, FE Credit gọi điện cho chị thông báo chị đã vay số tiền 23 triệu đồng và trả góp trong 12 tháng. 

CAQ Thanh Khê tiếp nhận tin báo của người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao.

Trường hợp của chị Đinh T.Q.A (1993, trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) có khác. Trong lúc đang làm việc tại nhà thì nhận được tin nhắn của ngân hàng về việc chị nhận được số tiền 10 triệu đồng từ tài khoản của bạn tên Huỳnh Chí Lượng (1993, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Chị A. liền liên lạc với anh Lượng để hỏi số tiền trên nhưng không được. Một lúc sau chị A. nhận được tin nhắn qua Messenger có nick facebook tên Huỳnh Chí Lượng nhắn tin đến nick facebook mang tên của chị (nội dung anh Lượng nhắn mượn số tiền 10 triệu đồng). Chị A. không nghi ngờ gì và đã sử dụng dịch vụ Internet banking chuyển vào tài khoản của ngân hàng Vietcombank có tên Bùi Văn Phục, có số tài khoản 069100... Một lúc sau nick facebook của Lượng yêu cầu chị A. chuyển tiếp số tiền 15 triệu đồng vào tài khoản nêu trên. Đến cuối ngày chị A. trực tiếp điện thoại cho anh Lượng và tá hỏa khi biết rằng anh Lượng không hề yêu cầu chuyển tiền và biết mình đã bị lừa. Trong khi đó, chị Huỳnh T.T. (1972, trú P. Tam Thuận, Q. Thanh Khê) cho biết, trước đó chị nhận được tin nhắn từ tài khoản facebook “Người mua vui”, chủ tài khoản trên là con trai của chị đang ở bên Nhật Bản với nội dung chuyển 50 triệu đồng vào số tài khoản 10133... của Ngân hàng Vietcombank, chủ tài khoản Dương Văn Lý để con trai chị thanh toán tiền. Thế nhưng khi mọi chuyện “đã rồi”, chị T. mới biết con trai chị bị hack facebook nên đã đến cơ quan CA để trình báo sự việc nhờ điều tra làm rõ vụ lừa đảo qua mạng xã hội.

Trung tá Trần Văn Tuấn-Đội trưởng Đội CSHS CAQ Thanh Khê dẫn chứng nhiều vụ việc chứng tỏ tội phạm công nghệ cao “muôn màu, muôn vẻ”. Hôm đó, mới sáng ra, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (1982, trú P.Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê) đã nhận được một cuộc điện thoại từ số máy +1(951)777... để hỏi mua xe ô-tô mà chị đang rao bán trên mạng. Người này yêu cầu chị Nhung kết bạn qua zalo rồi đồng ý mua xe với giá 375 triệu đồng và đặt cọc trước 50 triệu đồng. Sau đó, đối tượng này đã gửi một đường link cho chị rồi nói chị làm theo để được nhận tiền cọc từ USD sang VND. Sau khi làm theo chỉ dẫn của người đăng ký mua xe thì chị mới tá hỏa khi phát hiện mình bị mất 200 triệu đồng trong tài khoản của ngân hàng Vietcombank. Cũng có chuyện “cười ra nước mắt” như chuyện của anh H.V.Đ. (1995, trú TP Đà Nẵng) có đăng tin lên mạng xã hội facebook để bán chiếc tủ với giá 3,5 triệu đồng. Sau đó, có một tài khoản facebook Dương Trần nhắn tin cho anh Đ., nói đồng ý sẽ mua chiếc tủ. Lấy lý do đang ở Mỹ người này nói sẽ thanh toán tiền cho anh Đ. bằng dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union và nhờ dịch vụ vận chuyển đến lấy hàng. Sau đó, có một số điện thoại 845646... nhắn tin cho anh Đ. yêu cầu truy cập vào đường link để nhận tiền. Anh Đ. đã làm theo bằng cách nhập các thông tin liên quan vào trang web. Thế nhưng khi mọi chuyện đã xong, anh Đ. mới giật mình khi phát hiện mình bị mất số tiền 150 triệu đồng.

Ngay khi tiếp nhận đơn của bà Lê T.L. (1954, trú Q. Thanh Khê) tố cáo việc bà bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến 258 triệu đồng, các điều tra viên cũng hết sức ngạc nhiên. Theo lời bà L., qua mạng xã hội Viber “Mr Nguyen”, tự xưng là Việt kiều phục vụ trong quân đội Mỹ. Sau một thời gian trò chuyện, Mr Nguyen yêu cầu bà L. giúp đỡ cho mượn số tiền 258 triệu đồng để trả chi phí vận chuyển hàng hóa của Mr Nguyen. Bà L. đồng ý và đã 2 lần chuyển tiền vào tài khoản của 1 ngân hàng ở TPHCM với tổng số tiền 258 triệu đồng. Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu bà L. chuyển tiếp nhưng do đã nghi ngờ nên đến cơ quan CA trình báo.

Khuyến cáo người dân chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, Thượng tá Phan Duy Thạch- Phó trưởng CAQ Thanh Khê đề nghị: Người dân cần giữ bí mật các dịch vụ thông tin ngân hàng, xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính. Khi thực hiện giao dịch thẻ ngân hàng tại các ATM, POS phải quan sát khe thẻ trên máy ATM, đảm bảo không có thiết bị lạ và che bàn phím khi đăng nhập số PIN. Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng CA, VKS, nhân viên ngân hàng, hải quan..., thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Không nên đặt niềm tin vào những người quen biết qua mạng xã hội... 

PHƯƠNG KIẾM