Bỗng dưng “ôm nợ” sau nhận hỗ trợ của người lạ

Thứ bảy, 18/06/2022 07:10
Gần đây, tại nhiều làng quê Quảng Trị xuất hiện nhóm “khách lạ” giả danh công ty bảo hiểm gặp gỡ người dân để hỗ trợ khó khăn do COVID-19 với mức 820.000 đồng, chỉ với điều kiện chụp CCCD và ảnh chân dung là hoàn thiện thủ tục, hoặc trao đổi xin chụp CCCD và chân dung sẽ được “bồi dưỡng” một số tiền.
Cán bộ Công an thu thập lời khai của bị hại.
Cán bộ Công an thu thập lời khai của bị hại.

Đây là thủ đoạn lừa đảo mới nhằm “đánh cắp” thông tin cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc những mục đích xấu khác. Và thực tế đã sớm xảy ra một số trường hợp bỗng dưng được thông báo trở thành “con nợ” của công ty tài chính với số tiền vay lên đến hàng chục triệu đồng sau nhận hỗ trợ tương tự trên.

Trong tháng 5-2022, chị Lê Thị C. (trú H. Cam Lộ) nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên công ty bảo hiểm trao đổi hỗ trợ khó khăn do COVID-19. Sau khi hướng dẫn các thao tác trên điện thoại để nhận tiền hỗ trợ, đối tượng trên gặp gỡ chị C. để hoàn thiện hồ sơ, chụp CCCD, chụp ảnh chân dung và trao số tiền 820.000 đồng. Mấy ngày sau, chị C. nhận được thông báo từ một công ty tài chính xác minh hợp đồng vay tín dụng với số tiền 56 triệu đồng. Chị C. hoang mang, nhận ra mình đã bị đánh cắp dữ liệu thông tin cá nhân từ đối tượng giả danh hỗ trợ COVID-19. Trước sự việc này, chị C. báo ngay cơ quan Công an địa phương.

Một trường hợp khác tại địa bàn H. Cam Lộ cũng bị lợi dụng để trục lợi tương tự là chị Nguyễn Thị A.N. Trung tuần tháng 5-2022, chị A. nhận được cuộc gọi của người phụ nữ tự xưng nhân viên công ty bảo hiểm tiến hành hỗ trợ COVID-19. Chị N. cho biết mình không phải là khách hàng mua bảo hiểm, tỏ ý không liên quan. Nhưng đối tượng liên tục đưa ra nhiều thông tin và chăm sóc như đối với “khách hàng tiềm năng” nên chị N. đồng ý. Chiều cùng ngày, có hai đối tượng nam nói giọng miền Bắc đến gặp chị N. để hoàn thành hồ sơ, chụp CCCD và chụp ảnh chân dung và trao số tiền 820.000 đồng. Đến đầu tháng 6-2022, chị N. nhận được điện thoại của Trung tâm An ninh thuộc một Công ty tài chính xác minh hợp đồng vay tín dụng cũng với số tiền 56 triệu đồng. Lúc này, chị N. mới hình dung đến thủ đoạn đối tượng lợi dụng dữ liệu thông tin cá nhân qua hình ảnh CCCD và ảnh chân dung để vay tiền qua mạng.

Ngay lập tức, chị N. làm tường trình gửi Công ty tài chính trên. Qua đó, chị được biết hợp đồng vay tiền có thông tin của chị nhưng số điện thoại, email, số tài khoản ngân hàng thì không trùng khớp. Chị N. cũng vất vả thực hiện xác minh số tài khoản ngân hàng có trong hợp đồng vay tiền thì được trả lời không có tài khoản nào mang tên của chị. Từ những cơ sở này, cùng với xác minh của Công ty tài chính đã xác nhận khoản vay mà phía công ty này giải ngân trước đó không liên quan đến hợp đồng tín dụng mang tên chị N. Nhưng không phải ai cũng bình tĩnh, làm rõ tới tận cùng như chị N., vì bị hại đa phần ở nông thôn, không rành công nghệ thông tin, không tường tận các bước để chứng minh như chị N.

Theo khuyến cáo của cơ quan Công an, người dân không chia sẻ hình ảnh CCCD của mình trên mạng xã hội, nâng cao cảnh giác để không bị lợi dụng, tránh lộ lọt thông tin cá nhân vào đối tượng xấu. Hiện tại, có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online chỉ cần chụp hình ảnh CCCD hay CMND hai mặt là có thể được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng. Cũng đã có rất nhiều người bị lợi dụng sử dụng hình ảnh CCCD hay CMND hai mặt để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng, sau đó thực hiện những cuộc gọi quốc tế, hoặc thực hiện nhiều cuộc gọi trong nước. Bên cạnh đó, có rất nhiều công ty ảo hoạt động không có nhân viên, thường mua lại ảnh CMND, CCCD của người khác đăng ký mã số thuế ảo cho nhân viên công ty nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Cũng có nhiều công ty chọn hình thức ra thông báo tuyển dụng nhân sự không giới hạn số lượng với mức lương cao để thu hút người khác nộp hồ sơ xin việc, nhưng cuối cùng thì họ đều thông báo không trúng tuyển, sau đó lấy ảnh CMND, CCCD của người xin việc đó dùng để đăng ký mã số thuế ảo.

BẢO HÀ