“Bóng ma” Chiến tranh Lạnh ở biển Baltic
(Cadn.com.vn) - Việc Thụy Điển triển khai đội quân quy mô lớn truy tìm tàu nước ngoài bí ẩn vào vùng biển nước này đang đẩy các quốc gia vùng biển Baltic đến gần bờ vực Chiến tranh Lạnh.
Mọi việc bắt đầu khi quân đội Thụy Điển hôm 19-10 công bố bằng chứng qua ảnh về tàu nước ngoài bí ẩn ngoài khơi bờ biển thủ đô Stockholm. Tại cuộc tiếp xúc với báo giới, Thiếu tướng Hải quân Anders Grenstad tuyên bố: “Đây không phải tàu của chúng tôi, nó là tàu nước ngoài. Khi chúng tôi chụp ảnh, nó lại biến mất”. Thiếu tướng Grenstad cho biết hình ảnh cho thấy vật màu xám nhô lên khỏi mặt biển, nhưng không thể xác nhận tàu bí ẩn của nước nào do chất lượng hình ảnh kém.
Trong cảnh gợi nhớ Chiến tranh Lạnh, tàu hải quân, máy bay trực thăng, tàu tàng hình, tàu quét thủy lôi và binh sĩ Thụy Điển lùng sục quần đảo Stockholm trong nhiều ngày qua nhằm tìm kiếm dấu hiệu của tàu ngầm nước ngoài này. Tuy nhiên, theo ông Grenstad, hoạt động quân sự được triển khai từ hôm 17-10 là hoạt động thu thập tin tình báo chứ không phải săn tìm tàu ngầm.
Trong khi Thụy Điển chưa lên tiếng cáo buộc nước nào liên quan, Moscow cho rằng, đó là tàu Hà Lan - vụ việc khiến vùng biển Baltic dậy sóng. Truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho rằng, con tàu nước ngoài bí ẩn mà quân đội Thụy Điển đang tìm kiếm ở ngoài khơi Stockholm có thể là của Hà Lan.
Theo Moscow, để giảm căng thẳng trên các vùng thuộc biển Baltic, Stockholm nên yêu cầu Bộ Tư lệnh Hải quân Hà Lan giải thích việc này. Ngay lập tức, Bộ Quốc phòng Hà Lan bác bỏ thông tin này đồng thời khẳng định, tàu ngầm quân đội nước này không còn xuất hiện ở nơi mà con tàu bí ẩn được cho là bị phát hiện.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng, Stockholm đang bị hoang tưởng. Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng, dù đây chỉ là phỏng đoán nhầm hoặc nhiệm vụ hải quân bí mật, việc huy động quân sự lớn nhất của Thụy Điển kể từ khi Chiến tranh Lạnh trong nhiều ngày qua nhấn mạnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở khu vực biển Baltic.
Nga từ lâu xem biển Baltic là một phần trong phạm vi ảnh hưởng, với vai trò quan trọng của các quốc gia Liên Xô cũ như Estonia, Latvia và Lithuania. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng ở biển Baltic kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina leo thang.
Trong thời gian qua, truyền thông Thụy Điển đưa tin về tần suất xuất hiện cao hơn các cuộc diễn tập của không quân Nga tại biển Baltic, trong đó có vụ đối đầu ở khoảng cách gần giữa một máy bay do thám Stockholm và máy bay tiêm kích Nga trong tháng 10.
Giới phân tích cho rằng, có thể, mọi việc bắt nguồn từ việc Thụy Điển và Phần Lan, cả hai vốn từ lâu vẫn kiên quyết trung lập trước khi gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 1994, công khai thảo luận về việc gia nhập NATO – động thái chọc giận Nga.
Thanh Văn