Bóng ma thảm họa Fukushima

Thứ sáu, 11/03/2016 11:23

(Cadn.com.vn) - Đã 5 năm trôi qua sau trận động đất - sóng thần kinh hoàng tấn công Nhật Bản kéo theo thảm họa hạt nhân Fukushima tồi tệ nhất trong lịch sử Châu Á. Nhưng dường như ngần ấy thời gian vẫn chưa thể đủ xóa đi những ký ức đau thương mà thảm kịch hạt nhân này gây ra cho người dân nơi đây.

Hôm nay (11-3), Nhật Bản đánh dấu kỷ niệm 5 năm trận động đất – sóng thần kinh hoàng cướp đi mạng sống của khoảng 19.000 người, san phẳng các cộng đồng dân cư ven biển và làm bùng nổ cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine.

Các phóng viên báo chí mặc quần áo bảo hộ và mang mặt nạ dù chỉ đứng tác nghiệp
trước nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi cuối tháng 2-2016. Ảnh: Reuters

Lo ngại nhiễm xạ

Bóng ma thảm họa Fukushima vẫn đeo bám khắp nước Nhật, đằng sau con số đáng sợ: 160.000 người phải chạy trốn bức xạ hạt nhân rò rỉ.

Cho đến nay, đã 5 năm trôi qua, hơn 174.000 người sống sót vẫn chưa dám trở về nhà do lo sợ nhiễm phóng xạ hạt nhân. Xung quanh nhà máy Fukushima số 1 được ví như “vùng đất chết”. Dù Cty điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị quản lý nhà máy Fukushima số 1 cho biết, các điều kiện tại nhà máy này đã được cải thiện đáng kể - người dân vẫn không muốn trở về.

Tại thị trấn Naraha quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 - nơi được xem là mô hình tái thiết để người dân trở lại quê hương - không khí u ám vẫn bao trùm. Cho đến nay, chỉ có khoảng 400 người trong tổng dân số 8.000 người dân ở đây quay trở về nhà, nhưng trong đó hầu hết đều là người già. Và tất cả họ vẫn luôn sống trong cảm giác lo sợ. Hồi cuối năm 2015, một công nhân từng làm việc cho nhà máy hạt nhân Fukushima được chẩn đoán mắc bệnh ung thư do nhiễm phóng xạ, trường hợp đầu tiên kiểu này được xác nhận.

Trên thực tế, mức bức xạ tại nhà máy Fukushima số 1 hiện vẫn còn rất mạnh khi công nhân không thể tiếp cận vào trong. Trong khi đó, robot tìm kiếm được triển khai đến đây cũng bị tan chảy, hư hỏng khiến việc loại bỏ các thanh nhiên liệu nguy hiểm là điều không thể. Và điều quan trọng, chính quyền vẫn không biết làm thế nào để xử lý nước phóng xạ nguy hiểm đang lưu trữ ngày càng nhiều xung quanh khu vực này.

Những tranh cãi, những cáo buộc

Đã 5 năm trôi qua nhưng vẫn còn đó những nỗi đau. Những cáo buộc, những tuyên bố đổ lỗi, những tranh cãi trong vụ việc này khiến người ta không thôi ám ảnh về thảm kịch này.

Một số chuyên gia cho rằng, việc Tokyo thúc đẩy nỗ lực khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân là bằng chứng cho thấy họ không nghiêm túc rút kinh nghiệm từ bi kịch này. Và nhiều câu hỏi đặt ra quanh việc liệu giới chức Nhật Bản đã làm hết sức để đối phó với thảm họa này hay chưa. Hôm 29-2, 3 cựu lãnh đạo TEPCO đã bị buộc tội không có biện pháp cần thiết để đối phó với thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Theo cáo trạng, các cựu lãnh đạo TEPCO nhận được báo cáo vào tháng 6-2009 cảnh báo nguy cơ sóng thần cao 15,7m tấn công nhà máy song các lãnh đạo TEPCO không có biện pháp đề phòng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, không thể phủ nhận nỗ lực rất lớn của TEPCO. Cty này có một số tiến bộ như loại bỏ được hàng trăm thanh nhiên liệu qua sử dụng trong một lò phản ứng bị hư hỏng. Nhưng công nghệ cần thiết để xác định vị trí các thanh nhiên liệu tan chảy trong 3 lò phản ứng khác tại nhà máy vẫn chưa được phát triển. TEPCO đang xây dựng bức tường băng lớn nhất thế giới để ngăn nước bị nhiễm xạ rò rỉ ra môi trường. Vấn đề này lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2013 và được chính phủ ủng hộ mạnh mẽ. Bức tường này cơ bản đã hoàn thành hồi tháng 2, sau nhiều tháng trì hoãn và những câu hỏi xung quanh tính hiệu quả của nó. Cuối năm nay, TEPCO lên kế hoạch bơm nước vào tường - trông giống như các đường ống phía sau tủ lạnh - để bắt đầu quá trình đóng băng. “Ngăn nước nhiễm xạ ra môi trường là rất quan trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm”, Artie Gunderson, một kỹ sư hạt nhân nhận định.

Việc giải quyết lượng nước nhiễm xạ khổng lồ này vốn là một trong những thử thách lớn đối với TEPCO. Trong khi nhiệm vụ khó khăn này chưa thể hoàn thành, việc dỡ bỏ hoàn toàn nhà máy Fukushima số 1 dường như là “giấc mơ xa xỉ” bởi nó sẽ phải kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Khả Anh