“Bột màu-báo cũ”, câu chuyện mới trên chất liệu truyền thống

Thứ bảy, 22/08/2015 10:22

(Cadn.com.vn) - Bột màu và báo cũ từng là chất liệu phổ biến, quen thuộc, đã trở thành biểu tượng của một thời chưa xa, một chất liệu ít tiền, dễ vẽ, ai cũng vẽ được. Những họa sĩ sống ở thập niên 1960-1970 tại Việt Nam đã từng gắn bó với bột màu và báo cũ. Nhóm 13 họa sĩ gồm Lê Thiết Cương, Đỗ Dũng, Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Trần Quân, Nguyễn Nghĩa Cương, Trần Gia Tùng, Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Thị Bình Nhi, Phương Bình, Đức Phạm, Nguyễn Như Đức và Lê Đức Hiệp với 24 bức vẽ bằng chất liệu bột màu và báo cũ, kể những  câu chuyện mới với người bạn thân thuộc này qua triển lãm “Bột màu-báo cũ” ở Làng Lụa Hội An.

Triển lãm thu hút nhiều khách trong và ngoài nước tham quan.

Chất liệu hoài cổ

Bột màu thì phải vẽ trên giấy chuyên dụng mới thành tác phẩm hội họa, song trong thời khó khăn, nhất là thời kỳ chiến tranh thì họa sĩ buộc phải vẽ bột màu trên giấy báo (chưa in). Khi giấy báo chưa in cũng trở nên hiếm thì báo đã đọc xong cũng trở thành chất liệu để người họa sĩ hoàn thành tác phẩm của mình. Tờ báo mỏng, muốn vẽ được mà không rách thì phải bồi kỹ, sau khi vẽ xong lồng vào khung kính thì tranh mới có độ sáng bóng, không bị “xác” màu và bảo quản được lâu. Những chất liệu hết sức thân thuộc đó đã đi cùng biết bao nhiêu thế hệ họa sĩ Việt Nam trong những năm tháng khó khăn. Dòng tranh làm từ chất liệu bột màu - báo cũ đã từng một thời ghi dấu những bức tranh nổi tiếng của nhiều danh họa Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm... đã được trân trọng gìn giữ cho đến ngày nay. Ngắm các bức họa của một thời, người xem không chỉ được thưởng thức những bút pháp tiêu biểu của tác giả, mà còn nhìn thấy một phần đời sống kinh tế - xã hội, cũng như cuộc sống của người họa sĩ thời kỳ đó. Có lẽ để nhớ lại một thời gian khó trước đây, tạo động lực cho sáng tạo đương đại, họa sĩ Lê Thiết Cương ươm mầm ý tưởng về triển lãm tranh bột màu-báo cũ gợi nhớ một thời này...

Từ ý tưởng của họa sĩ Lê Thiết Cương, các họa sĩ trẻ Hà Nội, Hải Phòng đã cùng nhau sáng tạo những bức tranh về hiện thực cuộc sống đương đại bằng chất liệu của những thời xưa gian khó. Họa sĩ Đức Phạm cho biết, những năm còn là sinh viên trường Mỹ thuật, anh đã khá quen thuộc với những chất liệu này. “Thời còn đi học, tôi vẽ rất nhiều. Tất nhiên là cũng vẽ trên toan, cũng được tiếp xúc với các chất liệu đắt tiền hơn một chút như sơn dầu..., song đa phần vẫn dùng những chất liệu rẻ tiền, sẵn có như bột màu và báo cũ để làm bài tập. Khi biết anh Lê Thiết Cương có nhã ý mời tôi cùng tham gia làm phòng tranh “Bột màu - Báo cũ”, tôi không hề thấy bỡ ngỡ mà dường như cảm thấy có một sự thôi thúc trong tim, muốn đem cái mới trong nghệ thuật hôm nay để thể hiện bằng chất liệu mình đã từng dùng khá nhiều trong quá khứ ấy...”.

Tác phẩm “Chợ Đêm” của Đức Phạm.

Sức sáng tạo độc đáo

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Cũng có thể coi triển lãm này là lời nhắc nhở về một quá khứ chưa xa. Nhưng, nhiều hơn thế, chúng tôi muốn đưa ra lời khẳng định: Bất cứ loại chất liệu nào cũng có thể giúp người họa sĩ chuyển tải những thông điệp về thời đại của mình, miễn là tìm ra hướng khai thác phù hợp. Nghệ thuật không phụ thuộc vào chất liệu. Chúng tôi muốn sử dụng bột màu và giấy cũ để nói về những câu chuyện của cuộc sống hôm nay”.

Các họa sĩ chọn bột màu báo cũ không còn vì khó, vì khổ mà muốn vươn tới việc sử dụng đặc tính ăn nhịp của “cặp đôi” này cũng như những ưu điểm về nội dung của báo cũ để tạo cấu tứ mới cho tranh. Nhiều bức họa còn nguyên những dòng chữ in báo trên mặt tranh. Nếu như trước kia, các tờ báo đã in nếu được sử dụng thì họa sĩ phải bồi kỹ, gần như là xóa hết dấu vết của chữ, của ảnh minh họa... trên trang báo để có nền trắng vẽ tranh thì nay những thứ đó lại được tận dụng như ở bức “Thiếu nữ” (Phương Bình), “Bóng mờ Hội An” (Nguyễn Như Đức) hay “Phố Hội” (Nguyễn Nghĩa Cương)... hình và chữ của báo lẫn vào trong tranh nhưng người xem không hề cảm thấy có sự đối chọi, mà dường như lại tăng thêm nhiều hiệu quả tạo hình, sống động thêm sự gợi mở mới lạ. Bột màu chồng đè lên chữ, có sự ẩn hiện của chữ lên hình, những khoảng trống “bỏ quên” còn nguyên cả những cột chữ, những bức hình của báo cũ... để rồi chẳng thể phân biệt được đâu là tranh và đâu là báo, đâu là màu và đâu là chữ in. Tất cả hòa nhịp thành một tổng thể hài hòa, thể hiện ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm.

Theo họa sĩ Đức Phạm: “Khi anh Cương mời các họa sĩ Hải Phòng tham gia triển lãm tranh này, tôi đã chọn vẽ đề tài chợ bằng chất liệu bột màu báo cũ. Tôi đam mê vẽ chợ Hải Phòng, nhất là chợ Tam Bạc - Lý Thường Kiệt. Khi còn bé, tôi thường đi bộ học thêm qua những con phố chợ này. Tôi yêu chợ và chợ cũng trở thành nỗi ám ảnh trong mỗi bức tranh của tôi. Tôi vẽ chợ với góc nhìn từ trên cao. Vẻ đẹp tạo hình của tranh chợ là những chiếc bạt được căng ra giữa đường, những dây dù nhằng nhịt. Đây cũng là một nét đặc thù của chợ phố thị Việt Nam, chợ “văng” ra phố”. Triển lãm “Bột màu-báo cũ” với những câu chuyện thú vị về cảm giác vừa hoài cổ vừa sáng tạo của nhóm họa sĩ trẻ đã “đánh thức” xúc cảm của người họa sĩ, lấy sự tự do, phóng khoáng trong sáng tác đương đại để “thổi hồn” vào chất liệu của một thời gian khó...

Triển lãm đang diễn ra từ ngày 15 đến 29-8 tại Làng Lụa Hội An sau khi đã tạo hiệu ứng xã hội với sự thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người ở triển lãm tại Hà Nội, Hải Phòng ít nhiều chứng tỏ sự hấp dẫn của những tác phẩm hội họa dám vượt khỏi khuôn khổ của những khuôn mẫu thẩm mỹ cũ, cũng là lời nhắn nhủ của các họa sĩ về giá trị ngôn ngữ của chất liệu, rằng mỗi chất liệu có một ngôn ngữ riêng và nó có thể diễn đạt được tất cả những gì mà tác giả mong muốn bởi vì như họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của triển lãm này đã nói: “Nghệ thuật không phụ thuộc vào chất liệu. Chúng tôi muốn sử dụng bột màu và giấy cũ để nói về những câu chuyện của cuộc sống hôm nay”.

Khiếu Thị Hoài