Bớt nỗi lo tàu, xe Tết
Không còn cảnh xếp hàng rồng rắn để có được tấm vé tàu, xe về quê như vài năm trước, năm nay khách hàng có rất nhiều lựa chọn để di chuyển về quê đón xuân mới cùng gia đình. Ghi nhận công tác phục vụ đi lại dịp Tết của người xa quê tại Đà Nẵng, chúng tôi thấy rõ, không đáng lo ngại.
Khách hàng thoải mái mua vé tàu ra Bắc về quê ăn Tết. |
Tàu hỏa, căng theo chặng
Ông Phạm Ngọc Thanh, Đội trưởng đội vé (ga Đà Nẵng) nói, việc đến ga mua vé tàu Tết năm nay không còn cảnh xếp hàng, chen chân như nhiều năm trước nữa. Sở dĩ chuyện xếp hàng không xảy ra là do người đi tàu đã có thói quen mua vé qua online. Tính đến thời điểm này, ga Đà Nẵng đã bán tổng cộng hơn 3.000 vé tàu Tết (ra Bắc trước Tết và vào Nam sau Tết) trên 10 đoàn tàu, chủ yếu rơi vào ngày cao điểm, từ ngày 2-2 (17-12 âm lịch) đến 18-2 (3-1 Tết) thì có đến 40% khách hàng mua vé qua online (sở dĩ lượng vé bán tại Đà Nẵng ít theo ông Thanh là do khách hàng có thể đăng ký mua khứ hồi tại bất kỳ ga nào trên cả nước chứ không nhất thiết phải mua tại Đà Nẵng - P.V). Thực tế tại khu bán vé của ga ngày 13 và 14-12, hình ảnh khách hàng đến mua vé chỉ rải rác, không như những năm trước rồng rắn chờ chực. Ông Thanh cho hay, khó khăn nhất năm nay là các tuyến Sài Gòn đi Diêu Trì, Quảng Ngãi, Đà Nẵng hiện đã gần hết vé, tuy nhiên sự lựa chọn đi lại bằng máy bay, ô-tô vẫn còn nhiều. Gọi là "nóng", tuy nhiên khách hàng không quá lo bởi trước Tết năm nay ngành đường sắt còn tăng cường thêm nhiều đoàn tàu để phục vụ hành khách trên các tuyến này gồm tàu SE21, 22 (tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng); Sài Gòn - Quảng Ngãi (SE25, 26); Sài Gòn - Đà Nẵng (D1, 2) và Sài Gòn - Huế thêm 1 đôi tàu nữa.
Trong khi từ Sài Gòn về các tỉnh miền Trung hơi căng, thì các chặng từ Đà Nẵng ra các tỉnh phía Bắc hành khách vẫn có thể sở hữu những tấm vé về quê trong dịp này. Ông Thanh cho biết, hiện tại vé từ Đà Nẵng ra Bắc đã bán được khoảng 70%, trong đó vé giường nằm dịp cao điểm (24 đến 26 âm lịch và ra Tết từ ngày 6 đến 9) đã gần hết, còn lại là vé ngồi mềm, ngồi cứng. Ngoài ra, với những người thích đi tàu nhưng chưa chủ động được thời gian, vẫn có thể đặt vé giữ chỗ để có thể có vé khi người đã mua vé nhưng hoãn hành trình...
Ngoài tàu, xe, hành khách có thể di chuyển bằng máy bay giá rẻ. |
Khá nhiều lựa chọn cho hành khách
Trong khi tàu có thể xảy ra tình trạng "cháy" vé sớm thì hành khách xa quê cũng còn khá nhiều sự lựa chọn khác để không lỡ hành trình trở về vui xuân đón Tết với người thân. Đại diện một số hãng hàng không cho biết, từ cuối tháng 9-2017, đã bắt đầu mở bán vé máy bay dịp cao điểm Tết với cam kết không tăng giá. Cụ thể, Vietnam Airlines mở bán hơn 1,4 triệu chỗ trên toàn mạng nội địa, tăng gần 130.000 chỗ so với Tết năm ngoái; Jetstar Pacific công bố mở bán gần 540.000 chỗ để phục vụ nhu cầu tăng cao của hành khách trong giai đoạn cao điểm. Trong khi đó, Vietjet Air đã tung 1.220.000 vé rẻ chỉ từ 0 đồng trong 3 ngày 27, 28, 29-9. Vé khuyến mãi của hãng này áp dụng trên tất cả đường bay trong nước và quốc tế từ 1-11-2017 đến 31-3-2018. Trong tổng số vé mở bán này, từ Đà Nẵng đi các địa phương miền Bắc và miền Nam có rất nhiều đường bay để khách lựa chọn.
Ngoài tàu hỏa, máy bay, phương tiện đi lại truyền thống là ô-tô cũng để khách hàng thoải mái gửi niềm tin với nhiều hãng xe chất lượng cao. Bà Phan Thị Ngọc Lan, Phó Tổng giám đốc Cty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho hay, thông thường nhu cầu đi lại của khách dịp Tết "nóng" vào cuối năm đối với xe ra Bắc và đầu năm vào Nam. Nhiều năm trước do lượng xe ít, cộng thêm nhu cầu đi máy bay của khách không cao nên áp lực dồn nhiều vào phương tiện ô-tô. Tuy nhiên năm nay, với tổng cộng 1.600 đầu xe của 130 đơn vị vận tải, chắc chắn việc đi lại của người xa quê từ Đà Nẵng ra các địa phương phía Bắc không đáng lo ngại. Ngoài tuyến Đà Nẵng đi Huế, Đông Hà chưa có xe giường nằm, còn lại các địa phương khác doanh nghiệp vận tải đã đầu tư xe giường nằm rất nhiều (chiếm 50% đầu xe). "Có thể những ngày cao điểm cuối năm, đầu năm, sẽ có đôi lúc ách tắc cục bộ, song chỉ kéo dài vài chục phút mà thôi, bởi các hãng đều có phương án dự phòng để điều tiết xe dự phòng vận chuyển khách, nhưng đó chỉ là hy hữu" - bà Lan nói.
Nói về doanh nghiệp tăng giá vé để phụ thu lệch chiều, bà Lan cho hay, bình thường mọi năm đầu tháng 12 dương lịch các đơn vị đã đăng ký mức dự kiến tăng giá vé để phụ thu lệch chiều, nhưng năm nay chưa khởi động do là năm nhuận. Theo bà Lan, có thể trong nửa cuối tháng này cũng sẽ đăng ký nhưng chắc chắn không cao hơn năm trước, tức mức tăng trung bình 30-40%, cao nhất là 60% (chia theo khung ngày). "Tôi chắc chắn mức giá phụ thu tăng để bù lệch chiều sẽ tăng, nhưng doanh nghiệp sẽ không tăng cao vì sẽ mất khách hàng. Bởi hiện nay rất nhiều hãng xe chất lượng cao, hiện đại nên khách hàng có quyền chọn lựa cho mình hãng xe uy tín. Ngoài ra khách hàng có thể bỏ xe để đi tàu, máy bay nên nếu nhà xe không chiều khách, hoặc vận chuyển kiểu nhồi nhét, khách sẽ phật lòng ngay" - bà Lan nói.
Công Hạnh