Brazil đối mặt với viễn cảnh đen tối trước thảm kịch COVID-19
Những tuần gần đây, Brazil đã trở thành một trong những tâm chấn của đại dịch COVID-19 trên thế giới. Tính đến ngày 18-4, quốc gia này đã ghi nhận trên 13,9 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 373.000 ca tử vong, chỉ sau Mỹ. Viện Y tế Công cộng Fiocruz cho biết các ca mắc tăng đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước gần như sụp đổ, rơi vào tình trạng tồi tệ hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
Tiêm chủng vaccine CoronaVac của Trung Quốc cho người dân Brazil ở Rio de Janeiro ngày 8-4. Ảnh: Reuters |
Kể từ đầu năm nay, đất nước này đã phải đối mặt với làn sóng đại dịch thứ hai, dẫn đến sự sụp đổ của phần lớn hệ thống y tế. Sao Paulo, bang đông dân nhất cả nước, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 2.746.217 trường hợp mắc COVID-19 và 88.350 trường hợp tử vong. Tiếp theo là Rio de Janeiro, với 703.349 trường hợp mắc bệnh và 41.310 trường hợp tử vong.
Đặc biệt, số trẻ sơ sinh tử vong vì COVID-19 tại Brazil cao đáng báo động. Một nhà dịch tễ học Brazil cho rằng dịch COVID-19 đã làm thiệt mạng hơn 2.000 trẻ em dưới 9 tuổi ở nước ngày, trong đó ít nhất có 1.300 trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao của cả nước nói chung được cho là nguyên nhân gây ra những ca tử vong ở trẻ sơ sinh này.
Biến thể COVID-19 tiếp tục đột biến theo hướng nguy hiểm
Biến thể P1 của virus SARS-CoV-2 được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng các ca mắc COVID-19 ở quốc gia này. Lần đầu tiên được phát hiện tại thành phố Manaus của Amazon, biến thể P1 có khả năng lây lan cao hơn gấp 2,5 lần so với chủng virus ban đầu và khả năng kháng lại các kháng thể cũng cao hơn.
Các nhà khoa học cho biết, những đột biến protein gai đó có thể làm cho virus kháng vaccine tốt hơn trong khi vaccine vốn nhắm vào loại protein gai này. Điều này có khả năng ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát đại dịch ở Brazil - quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh. Felipe Naveca - một trong những tác giả của nghiên cứu thuộc viện Fiocruz ở thành phố Manaus - nói: "Chúng tôi tin rằng đó là một cơ chế né tránh khác mà virus đang tạo ra để tránh phản ứng của các kháng thể''
Theo nhà nghiên cứu Naveca, những biến đổi này dường như tương tự như những đột biến được thấy trong biến thể Nam Phi và thậm chí có khả năng tấn công cao hơn, mà các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khiến một số loại vaccine đã giảm hiệu quả đáng kể. Ông nói thêm: "Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì virus đang tiếp tục tăng tốc trong quá trình tiến hóa của nó''.
Biến thể mới này cũng được cho là ảnh hưởng nhiều hơn đến những người trẻ tuổi. Dữ liệu của bệnh viện cho thấy vào tháng 3 vừa qua nước này ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 dưới 40 tuổi cần điều trị tích cực tăng mạnh, vượt nhóm bệnh nhân cao tuổi.
Trong bối cảnh biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng, Brazil đã khuyến cáo phụ nữ "trì hoãn việc mang thai" cho đến khi đại dịch COVID-19 lắng xuống. "Nếu có thể, hãy trì hoãn mang thai cho đến thời điểm tốt hơn", ông Raphael Parente, quan chức Bộ Y tế Brazil cho biết trong một cuộc họp báo. Ông cảnh báo biến thể P1 sẽ "hoạt động mạnh hơn ở phụ nữ mang thai".
Nạn đói- thảm họa kép trong đại dịch
Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Brazil trở nên tồi tệ hơn, một cuộc khủng hoảng khác đang diễn ra, đó là nạn đói và mất an ninh lương thực. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao do đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng này. Bên cạnh đó, việc cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội và các mặt hàng thực phẩm tăng giá mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn đói ở Brazil. "Đó là một thảm kịch hoàn toàn có thể lường trước được. Chắc chắn mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi đại dịch bùng phát", ông Renato Maluf, Giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu An ninh Dinh dưỡng và Lương thực Brazil, nói.
Brazil đã được đưa ra khỏi danh sách nạn đói thế giới của LHQ vào năm 2014. Tuy nhiên, năm 2015, cuộc suy thoái và khủng hoảng chính trị ập đến. Chính phủ Brazil phải đưa ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Năm 2018, khi Tổng thống Jair Bolsonaro lên nắm quyền, tình trạng nghèo đói cùng cực đã tăng lên đáng báo động. "Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây. Chắc chắn là tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng vào năm 2021", Marcelo Neri, nhà kinh tế Brazil cho biết
Ông Alexandre Padilha, nghị sĩ đảng Công nhân cánh tả, cựu Bộ trưởng Y tế Brazil, cho biết nạn đói gia tăng và tình trạng mất an ninh lương thực đặc biệt đáng lo ngại trong đại dịch COVID-19. Khi tình trạng thất nghiệp gia tăng, nhiều người phải ra ngoài làm các công việc lặt vặt và đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Họ cũng có thể dễ mắc COVID-19 hơn vì hệ thống miễn dịch bị suy yếu do thiếu dinh dưỡng. "Thảm họa kép đang đẩy người dân vào những tai họa tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil. Điều này sẽ làm tổn hại đến các thế hệ tương lại ở đất nước chúng ta", ông Padilha nói.
Tổng thống bị điều tra do xử lý đại dịch quá tệ
Thượng viện Brazil hôm 14-4 đã chính thức khởi động quá trình điều tra đối với Tổng thống Jair Bolsonaro liên quan đến cách ông xử lý đại dịch COVID-19, vốn bị các chuyên gia y tế cho là tồi tệ nhất thế giới.
Tổng thống Jair Bolsonaro ngay từ đầu đã coi thường đại dịch, coi đây chỉ là một "bệnh cúm nhẹ" và nghi ngờ về hiệu quả của việc đeo khẩu trang và vaccine. Ông cũng là người phản đối các biện pháp đóng cửa để phòng chống dịch. Ông Bolsonaro thường xuyên tham gia biểu tình phản đối lệnh đóng cửa của các chính quyền địa phương.
Cuộc điều tra sẽ tập trung vào các cáo buộc rằng ông Bolsonaro đã cản trở các biện pháp giãn cách xã hội, nhắm mục tiêu vào chính quyền địa phương cố gắng thực hiện các biện pháp đóng cửa, hành động cẩu thả trong việc mua vaccine, cũng như "chào hàng" các loại thuốc không hiệu quả.
AN BÌNH