Brexit đẩy Thủ tướng May đến “bờ vực thẳm”

Thứ tư, 27/03/2019 10:51

Theo giới phân tích, với quyền kiểm soát Brexit trong 1 ngày, Quốc hội Anh có thể sẽ mở một cuộc bỏ phiếu vào hôm nay (27-3) để tự quyết định về loạt lựa chọn khác nhau về việc rời khỏi EU.

Thủ tướng Theresa May đã phải hứng chịu nhiều cuộc nổi loạn và cú sốc trong vài tháng qua, nhưng đòn đánh vào tối 25-3 (giờ địa phương) mới được xem là có thể “kết liễu” chiếc ghế thủ tướng của vị nữ chính trị gia này - khi cuối cùng bà để mất quyền kiểm soát Brexit vào tay Quốc hội. Câu hỏi mà Thủ tướng May bây giờ phải đối mặt là: Bà phải làm gì để giành lại quyền quyết định Brexit?

Những người ủng hộ và phản đối Brexit “đụng độ” nhau trên đường phố. Ảnh: AP

Quốc hội giành quyền kiểm soát tiến trình Brexit

Thông qua cuộc bỏ phiếu vào ngày 25-3, Quốc hội Anh đã giành quyền kiểm soát tiến trình Brexit khỏi tay Thủ tướng May trong vòng 1 ngày.

Động thái này mở đường cho các nghị sĩ tìm ra một giải pháp Brexit mà đa số thành viên Quốc hội có thể ủng hộ, nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Theo giới phân tích, với quyền kiểm soát Brexit trong 1 ngày, Quốc hội Anh có thể sẽ mở một cuộc bỏ phiếu vào hôm nay (27-3) để tự quyết định về loạt lựa chọn khác nhau về việc rời khỏi EU. Kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ cho thấy liệu các nghị sĩ có thể nhất trí với thỏa thuận Brexit mà trong đó Anh vẫn giữ mối quan hệ gần gũi với EU sau “ly hôn” hay không.

Tương lai Brexit và Thủ tướng May

Và tất nhiên, trong ngày 27-3, Thủ tướng May sẽ chỉ có thể “đứng từ xa” xem Quốc hội bỏ phiếu về một loạt các lựa chọn khi họ cố gắng đưa ra “Kế hoạch B” cho Brexit, sau khi đã 2 lần bác bỏ thỏa thuận của bà May và chưa đồng ý bỏ phiếu lần 3.

            Phát biểu tại Hạ viện, Thủ tướng May cho biết, chính phủ sẽ cho các nghị sĩ có thời gian để thực hiện các cuộc bỏ phiếu cho các lựa chọn khác, nhưng tỏ ra rất “nghi ngại” về tiến trình này. Thủ tướng May cho biết chính phủ không cam kết sẽ thực hiện kết quả của các cuộc bỏ phiếu này, nhưng sẽ “xem xét trên tinh thần xây dựng” với các nghị sĩ. Bà đưa ra cảnh báo các cuộc bỏ phiếu có thể sẽ dẫn đến kết quả là “không thể đàm phán” với EU được nữa. Bên cạnh đó, Thủ tướng May khẳng định, khả năng Anh rời EU không thỏa thuận vẫn có thể xảy ra. Bà May nêu ra giải pháp là tìm kiếm một kịch bản khác cho Brexit hoặc một cuộc trưng cầu dân ý lần 2. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu sẽ vẫn là nếu như Hạ viện không thông qua thỏa thuận rút khỏi EU tuần này và không chuẩn bị đối mặt với tình huống rời đi mà không có thỏa thuận, Anh sẽ sẽ phải xin gia hạn Brexit. Điều này có nghĩa Anh sẽ tham gia bầu cử nghị viện Châu Âu, và cũng có nghĩa là sẽ không thể đảm bảo có Brexit.

Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 22-5 nếu một thỏa thuận Brexit được Quốc hội Anh thông qua trong tuần này. Nếu vẫn bế tắc, London có thời gian đến ngày 12-4 để xác định sẽ làm gì tiếp theo: lại tiếp tục hoãn Brexit, Brexit không thỏa thuận (tức Brexit cứng), hủy Brexit. Một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 cũng vẫn còn nằm trên bàn lựa chọn, đưa ra động lực đổi mới cho chiến dịch đó sau khi hàng trăm ngàn người tham dự một cuộc tuần hành yêu cầu một cuộc bỏ phiếu mới ở London vào cuối tuần qua. Cũng có cơ hội, nhỏ nhưng không đáng kể, về một cuộc tổng tuyển cử nhằm để phá vỡ bế tắc đang diễn ra trong Quốc hội.

Dù kịch bản nào xảy ra, ngày càng có nhiều khả năng, vì đã mất niềm tin và sự tin tưởng của rất nhiều nghị sĩ, và từ bỏ quyền kiểm soát Brexit trước Quốc hội sau vài tháng thảm khốc, Thủ tướng May sẽ phải từ chức thủ tướng. Hôm 24-3, Thủ tướng May cũng đã tuyên bố với các nghị sĩ ủng hộ Brexit rằng, bà sẽ từ chức nếu những nghị sĩ này bỏ phiếu nhất trí thỏa thuận “ly hôn” với EU.

Rõ ràng, những quyết định của Thủ tướng May trong những ngày tới sẽ quyết định tương lai của chính mình, cũng như định hình tương lai của Vương quốc Anh.

KHẢ ANH