Brexit không thỏa thuận - kịch bản thảm khốc với Bắc Ireland

Thứ hai, 07/01/2019 08:00

Hạn chót ngày 29-3 để Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit - đang ngày càng gần hơn.

Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều cho một cuộc bỏ phiếu sắp tới tại Quốc hội về thỏa thuận Brexit, chính phủ của Thủ tướng Theresa May dường như vẫn không có nhiều hy vọng. Các nguồn tin thân cận với Thủ tướng Theresa May thừa nhận rằng, họ có khả năng thất bại trong cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày 15-1 tới. Vì vậy, có nhiều nguồn tin cho rằng, nhiều khả năng Thủ tướng May sẽ tiếp tục hoãn đưa ra trình Hạ viện thỏa thuận Brexit vào tuần tới. Việc tiếp tục lùi ngày đưa thỏa thuận ra bỏ phiếu tại Hạ viện được cho là để Thủ tướng May có thêm thời gian thuyết phục các nhà lãnh đạo EU và hạn chế mức độ phản đối tại Hạ viện khi đem ra bỏ phiếu. Hiện nay các cố vấn của Thủ tướng May đang nỗ lực hết sức nhằm thuyết phục các nghị sĩ thông qua thỏa thuận Brexit bằng việc tìm kiếm sự đảm bảo từ phía EU rằng kế hoạch dự phòng tránh xảy ra đường “biên giới cứng” chỉ là thỏa thuận tạm thời.

Trong khi chính phủ Anh vẫn tê liệt, các doanh nghiệp và các dịch vụ của chính phủ đang bắt đầu chuẩn bị cho khả năng “Brexit cứng” - rời EU mà không có thỏa thuận. Hiện nay, 1.000 sĩ quan ở Anh và Scotland đang được huấn luyện thêm về bảo vệ trật tự công cộng (tức là chống bạo loạn) để triển khai đến Bắc Ireland, trong trường hợp “Brexit cứng”. Quân tiếp viện được coi là cần thiết bởi vì Bắc Ireland trong lịch sử là khu vực gặp khó khăn nhất của Vương quốc Anh, cũng như khu vực sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nhất sau sự kiện “Brexit cứng”, vì đây là phần duy nhất của Vương quốc Anh có chung đường biên giới trên bộ với một quốc gia EU khác.

Một Brexit không có thỏa thuận có thể làm bùng nổ xung đột ở đây. Một phần quan trọng của thỏa thuận hòa bình “Thứ Sáu Tuần thánh” được ký năm 1998 là đảm bảo “biên giới mềm” giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland (hiện nay không thuộc Vương quốc Anh). Nhưng kịch bản “Brexit cứng” sẽ tái lập “biên giới cứng”. Một động thái như vậy có thể được hiểu là một cái tát vào mặt đối với dân số Công giáo ở Bắc Ireland và dẫn đến sự hồi sinh của các hoạt động bán quân sự ở đây. Nhưng phức tạp hơn nữa là đảng Liên minh Dân chủ (DUP), vốn có truyền thống cực hữu, ủng hộ mạnh mẽ một “biên giới cứng”. DUP, hiện đang chiếm đa số mỏng trong Quốc hội Anh, cũng từ chối ủng hộ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May do thỏa thuận hiện tại về biên giới quá thuận lợi đối với EU và những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Kết quả cuối cùng, giống như tất cả những thứ liên quan đến Brexit, là một vấn đề đau đầu không có giải pháp rõ ràng. Trong khi các chính trị gia ở Westminster tiếp tục tranh cãi, thời hạn cuối tháng 3 càng ngày càng gần, với suy nghĩ tối thiểu được đưa ra cho mớ hỗn độn biên giới Ireland.

THANH VĂN