Brexit sẽ “chết yểu”?

Thứ tư, 18/07/2018 09:08

Chính phủ Anh đã khẳng định không trưng cầu ý dân lần hai về Brexit (Anh rời khỏi EU), nhưng với những tranh cãi gay gắt hiện nay trong nội các Thủ tướng Theresa May, nguy cơ chết yếu của “cuộc ly hôn” khó khăn và nhiều thách thức này đang hiện hữu rõ nét hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Anh Theresa May đang chạy đua để tìm kiếm một thỏa thuận với EU khi thời hạn chót đang đến gần. Ảnh: Getty Images

Sau 2 năm ròng rã đi theo con đường Brexit đầy thách thức, chính phủ và quốc hội Anh đã hiểu rõ ý tưởng rằng, chỉ có một cuộc trưng cầu dân ý có thể giải quyết tương lai của Anh bên ngoài EU là “hoàn toàn bất khả thi”.

Thời hạn chót đang đến gần nhưng cho đến nay, Anh hầu như không đạt bất kỳ tiến bộ nào về mối quan hệ giữa London với các quốc gia thành viên còn lại sau khi rời đi. Bản thân Thủ tướng Anh Theresa May hồi cuối tuần cũng đã cảnh báo đảng Bảo thủ vốn bị chia rẽ của bà rằng có thể “không có Brexit nào hết” nếu họ phá hoại kế hoạch của bà để tiến tới mối quan hệ gần gũi với EU, sau khi London rời khỏi khối liên minh thương mại lớn nhất thế giới.

Thủ tướng May trước nguy cơ bị phế truất

Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh, London sẽ có một lập trường cứng rắn ở vòng đàm phán tiếp theo trong khuôn khổ các cuộc đàm phán với Brussels. Nhưng điều đó không đủ để ve vuốt những thành phần bảo thủ trong nội các.

Hiện nay, chính phủ Thủ tướng May đang đối mặt với quá nhiều khó khăn. Vào tối 16-7, Hạ viện Anh thông qua dự luật thuế quan do chính phủ của bà May đệ trình. Tuy nhiên, đây xem ra không phải là tin vui cho nhà lãnh đạo Anh. Trong bối cảnh chính trường còn đang bất đồng nghiêm trọng về vấn đề Brexit, việc Hạ viện thông qua dự luật mới lại càng gây căng thẳng trong nội bộ nước này.       

Và Thủ tướng May thậm chí lại chịu đòn giáng mới khi ông Guto Bebb - một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Anh, ngay sau đó đã từ chức để phản đối việc này. Hai bộ trưởng hàng đầu đã từ chức, châm ngòi cho các mối đe dọa nổi loạn trong nội các của bà May và gia tăng mối lo của một số nhà ngoại giao Châu Âu rằng, Anh sẽ không bao giờ có thể đạt một thỏa thuận với EU. Và ông Bebb trở thành quan chức Anh mới nhất từ chức do những tranh cãi về Brexit với Thủ tướng May. Thậm chí, thách thức “cao như núi” lại càng chất chồng lên vai nữ lãnh đạo này khi các đối thủ của Thủ tướng May trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền đang thu thập chữ ký để yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà.

Và nguy cơ bà May bị phế truất đang đến gần hơn bao giờ hết.

Sẽ trưng cầu dân ý lần 2?

Bế tắc khiến người Anh đã nghĩ đến kế hoạch trưng cầu dân ý lần 2, trong đó, giới quan sát cho rằng, cử tri nước này có thể sẽ chọn con đường ở lại với EU.

Cựu Thủ tướng Tony Blair, một người ủng hộ Châu Âu nhiệt thành, đã lặp đi lặp lại kêu gọi cuộc bỏ phiếu mới cho Brexit. “Chúng ta đang mắc kẹt… Và tôi hiểu đó là một sự cảnh báo lớn trong chính trị...”, ông nói. Các cựu Thủ tướng gồm John Major, Nick Clegg và cựu Ngoại trưởng David Miliband cũng ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit. Điều này có thể vấp phải nhiều khó khăn về kỹ thuật và chính trị, nhưng một số nhà lãnh đạo Châu Âu, đáng chú ý là Chủ tịch EU Donald Tusk, cũng đã đánh tiếng khích lệ.

Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng May nhiều lần khẳng định không trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit và người phát ngôn của nhà lãnh đạo này hôm 17-4 đã xác nhận điều này. Nhưng với những tranh cãi gay gắt hiện nay trong nội các Thủ tướng Theresa May, nguy cơ chết yểu của “cuộc ly hôn” khó khăn và nhiều thách thức này đang hiện hữu rõ nét hơn bao giờ hết. Và hầu hết người dân Anh đang muốn điều này - một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.

Xem ra thực tế cũng ủng hộ họ khi ngày 17-7, Ủy ban Bầu cử Anh thông báo phạt Vote Leave - nhóm vận động cho Brexit vì tội vi phạm các quy định tài chính trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit vào năm 2016, đồng thời chuyển vụ việc cho cảnh sát điều tra. Động thái này làm dấy lên những nghi ngại về sự minh bạch trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit diễn ra ngày 23-6-2016 với kết quả gần 52% cử tri ủng hộ Anh rời EU.

KHẢ ANH