Brexit - Vụ “ly hôn” rắc rối và tốn kém
(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) một mặt lên kế hoạch nghiêm túc cho khả năng Anh rời khỏi liên minh này - trong kịch bản gọi là Brexit - mặt khác vẫn ngày đêm cầu nguyện chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra.
Thủ tướng David Cameron dẫn đầu chiến dịch “Bầu cử để ở lại”, |
Nước Anh và cả EU đang đếm ngược từng giờ đến thời điểm quyết định, 23-6, ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để người dân Anh tự chọn liệu nên ở lại hay rời khỏi liên minh 28 quốc gia thành viên này sau 43 năm gắn bó.
Đây thật sự là bài toán khó đoán. Bởi theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, tỷ lệ ủng hộ ở lại EU có nhỉnh hơn quan điểm ra đi nhưng không đáng kể. Ngay trong nội bộ giới chức lãnh đạo cấp cao và quan chức Anh cũng bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này. Trong khi đương kim Thủ tướng Anh David Cameron hiện đang dẫn đầu chiến dịch “Bầu cử để ở lại”, cựu Thị trưởng London Boris Johnson, một chính trị gia nổi bật và được đánh giá sẽ trở thành Thủ tướng tương lai của nước Anh, lại đứng ở chiến tuyến đối đầu, với chiến dịch “Bầu cử để ra đi”.
Theo AFP, trong ngày 1-6, cựu Thị trưởng Johnson công bố kế hoạch vận động người dân ủng hộ kế hoạch này, tuyên bố sẽ áp dụng hệ thống nhập cư theo phong cách Australia làm điểm dựa cho người lao động. “Quyền “tự động” các công dân EU được đến sống và làm việc ở Anh sẽ kết thúc”, cựu Thị trưởng Johnson tuyên bố. Australia có chính sách cứng rắn về người tị nạn, nhưng mở rộng cửa cho người di cư có tay nghề cao, được lựa chọn dựa trên các tiêu chí bao gồm cả tuổi tác, khả năng tiếng Anh, nghề nghiệp, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm.
Chiến dịch “Bầu cử để ra đi” của ông Johnson đang khiến Nhà số 10 Phố Downing tức giận bởi vì nó đại diện cho một thách thức trực tiếp đến quyền lực của Thủ tướng Cameron. Bản thân ông chủ Nhà số 10 Phố Downing cũng thật sự như đang ngồi trên đống lửa bởi khả năng Anh rời EU cũng khá cao – kết quả mà các chuyên gia cảnh báo sẽ là “thảm họa” và kéo theo rất nhiều hậu quả đáng tiếc. Hồi tháng 3, Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) công bố báo cáo cho rằng, nếu rời EU, Anh sẽ mất gần 1 triệu việc làm và gần 100 tỷ bảng (145 tỷ USD) vào năm 2020 -con số tương đương 5% GDP hàng năm.
Rõ ràng, chưa tính đến mọi vấn đề ảnh hưởng xã hội khác, những con số khổng lồ này cho thấy, việc rời EU sẽ tạo ra cú sốc nghiêm trọng cho nền kinh tế với hệ lụy kéo dài và khó có thể hồi phục. Việc rời khỏi EU cũng là đòn giáng mạnh mẽ vào các tiêu chuẩn sống, việc làm và sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 Châu Âu này. Đó là chưa kể việc London sẽ phải đàm phán lại với EU hàng loạt các hiệp định về thuế và thương mại.
Thủ tướng Cameron khẳng định, ông không có ý định từ chức ngay cả khi cử tri Anh chọn rời khỏi EU. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đó là kịch bản mà nhà lãnh đạo này cần phải nghĩ đến nếu Anh buộc phải dứt áo ra đi. Bởi lẽ, bất kỳ cuộc chia tay nào cũng đều tổn thương cho cả hai. Không chỉ London bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi “ly hôn” với EU mà liên minh này cũng vậy. Một kết quả Brexit đồng thời phá vỡ môi trường cạnh tranh công bằng và tự do thương mại của lục địa già. Việc Anh ra đi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến EU cả về kinh tế, ngoại giao và quân sự. Và trách nhiệm này sẽ được đổ lên đầu ông Cameron.
Lo sợ Anh ra đi, EU nhiều lần ve vãn London, và kêu gọi cử tri Anh cân nhắc khi bỏ phiếu. Mặc dù EU khẳng định không có “Kế hoạch B” cho vấn đề Brexit nhưng các quan chức từ nhiều nước chủ chốt như Pháp, Đức và Italia đã bí mật gặp nhau để thảo luận về tương lai sau cuộc trưng cầu dân ý trên, bất chấp kết quả là người Anh lựa chọn rời hay ở lại EU.
Khả Anh