Bữa cơm chiều cuối năm

Thứ hai, 01/02/2016 09:40

(Cadn.com.vn) - Ngày còn nhỏ, cứ sau ngày Ông Táo về Trời và khi công việc đồng áng đã vãn là mẹ tôi lại giục các con lo dọn dẹp nhà cửa, lau chùi các bình hoa, bát nhang trên ban thờ để chuẩn bị đón Tết. Chúng tôi thường được nghỉ học vào 24, 25 Âm lịch nên công việc mẹ giao phó mãi tới sát Tết anh em mới lo làm. Có năm mẹ bảo: "Các con muốn làm gì thì làm chứ công việc lau dọn nhà cửa, ban thờ phải hoàn thành trước ngày ba mươi!". Vâng, ngày ba mươi Tết nhà tôi cũng như biết bao các hộ dân quê đều rất bận rộn bởi vừa phải lo mua sắm Tết, vừa phải gói bánh chưng, mổ gà, "đụng" lợn... lại vừa phải chuẩn bị mâm cơm chiều tất niên để đón ông bà tổ tiên về ăn Tết.

Nhà tôi nghèo lắm, hầu như quanh năm luôn thiếu đói và đứt bữa vào những độ giáp hạt vì vậy chỉ có mấy hôm Tết là anh chị em chúng tôi và cả ông bà, bố mẹ mới được ăn no một chút. Bữa cơm tất niên chiều cuối năm thường là bữa đầu tiên trong mấy ngày Tết cả nhà sum vầy đủ đầy và có nhiều thức ăn ngon nên tôi thường hồi hộp mong ngóng. Có khi Tết mới chỉ cách cả tuần vậy mà tôi đã hỏi mẹ xem trong bữa cơm ấy nhà mình sẽ làm thực đơn là những món gì (?!) và chị cả năm nay có về kịp không (?!)... Người ta thường nói rằng, ăn Tết ngon nhất là bữa cơm tất niên bởi lúc đó là ngày Tết đầu tiên nên mọi người vẫn chưa cảm thấy ngấy ngúa vì các đồ ăn. Mẹ biết anh em chúng tôi háo hức và đang tới tuổi ăn, tuổi lớn nên riêng bữa cơm tất niên bao giờ mẹ cũng bảo bố làm thật thịnh soạn, thật nhiều món để các con được thỏa thích, no nê. Nào gà, nem chả cuốn, nào canh măng nấu bóng, thịt lợn... và cả bao nhiêu thứ rau xào nấu ngon, sau khi cúng ông bà tiên tổ xong được bê từ trên ban thờ xuống. Khi cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm đầm ấm, bao giờ mẹ tôi cũng nói các con ăn thoải mái đi vì đây là ngày Tết, không phải ngày thường đâu mà phải tiết kiệm. Chúng tôi ngồi đánh chén mà không phải giữ ý tứ như ngày thường, hay những khi nhà có khách, bởi lúc đó có khi chỉ mỗi đĩa thịt còn phải dành cho khách nên không dám gắp. Có năm, thấy thằng em tôi cứ xới cơm đánh chén liên hồi mẹ bảo: "Cu Tý gắp các thứ ăn đi chứ ăn cơm nhiều lại không ăn được đâu!". Mặc dù có quá nhiều thức ăn nhưng nhiều khi tôi để ý bố, mẹ tôi vẫn như có vẻ nhường cho các con mà không chịu ăn. Thấy vậy, tôi lấy đũa gắp cho bố mẹ mỗi người một miếng thịt gà và vài thứ đồ ăn khác. Mẹ tôi thấy tôi gắp đồ ăn cho bố mẹ, vội khen: "Thằng Hai sau này là có hiếu lắm đây! Thôi con cứ ăn đi, hôm nay nhiều thức ăn mà nên mấy đứa không phải lo để dành hay ăn dè đâu nhé. Cả năm nhà mình đói khổ nên bố mẹ cố lo cho các con ăn no, ăn đủ trong mấy ngày Tết...".

Có một năm, chị cả tôi đi làm mãi tận trong Sài Gòn do lỡ tàu xe không về kịp nên bữa cơm tất niên năm ấy cả nhà kém vui. Mẹ và bố tôi buồn thương chị vất vả nên trong bữa cơm không khí trầm lắng hẳn đi. Mấy anh em chúng tôi ăn cũng cảm thấy không ngon vì nhớ tới chị, cảm thấy thiếu thốn, mặc dù thức ăn đầy mâm. Khi ăn xong, cả nhà đang ngồi uống nước mẹ bùi ngùi nói: Chị cả chúng mày vất vả quá, mưu sinh cả năm quần quật vậy mà có mỗi bữa cơm tất niên chiều cuối năm cũng không được đoàn tụ gia đình!". Ngày đó không có điện thoại di động nên chị đang đi về tới đâu cũng chẳng thể biết được và mãi tới tận sáng sớm mồng một Tết chị mới tất tưởi về tới nhà gặp mặt mẹ, bố mà nước mắt rưng rưng...

Còn trẻ và chưa có dịp xa gia đình nên chúng tôi chưa thấu hiểu được ý nghĩa và sự quan trọng của ngày xum vầy đoàn tụ trong bữa cơm chiều cuối năm. Bà tôi vẫn thường bảo rằng: "Ngày Tết tha hương buồn lắm, nhớ nhà và người thân lắm, mặc dù có thể tiền bạc và mọi cái không thiếu thốn gì. Quê hương, gia đình là nguồn cội để ta trở về trong các dịp lễ Tết, đình đám...". Lớn lên tôi cũng hiểu dần được câu bà nói và tôi thấy quả là, dù có làm ăn, sinh sống ở nơi đâu thì những ngày Tết thường là người ta vẫn hối hả tìm về với gia đình, với quê hương để chung vui, họp mặt và đón Tết. Bữa cơm tất niên chiều cuối năm là khoảnh khắc quá thiêng liêng đối với hết thảy mọi người vì đây là khoảnh khắc, là buổi họp mặt cuối cùng của năm cũ, ôn lại những vất vả, buồn vui để chuẩn bị sang một năm mới tràn đầy hy vọng. Tôi chưa bao giờ phải đón một cái Tết thiếu cha thiếu mẹ và cũng chưa bao giờ vắng mặt trong bữa cơm gia đình chiều ba mươi Tết, thế nhưng bạn bè tôi cũng đã có nhiều người phải chịu cảnh đón Tết không gia đình, người thân bên cạnh. Tâm trạng của họ lúc đó là buồn, nhớ nhà, nhớ mùi thức ăn lan tỏa quyện hòa cùng làn khói bếp mỏng manh nhưng ấm áp bay lên trên những nếp nhà đơn sơ. Có người từng ước "Giá như chiều ba mươi được sum vầy bên mẹ, cha bên người thân cùng mâm cơm tất niên chỉ toàn tương, cà, rau, muối... cũng được!", ôi thế nhưng ước ao nhỏ nhoi đó nhiều khi cũng khó có thể thành hiện thực trong cuộc đời mỗi con người vì những yếu tố, hoàn cảnh khác nhau...

Năm cũ sắp qua đi, một năm mới đang tới và mâm cơm chiều tất niên cũng sắp được dọn ra, ở đó mỗi gia đình đều không muốn một thành viên nào phải tha hương vì Tết sum họp đủ đầy mới là một cái Tết trọn niềm vui nhất...

Nguyễn Gia Long