Ngậm ngải tìm trầm của Hồ Sĩ Bình:

Tình yêu và cái đẹp vĩnh hằng

Thứ hai, 21/07/2025 08:25

Ngậm ngải tìm trầm là tập thơ thứ tư của nhà thơ Hồ Sĩ Bình, sau các tập Mưa nắng lưng đèo, Ngày sinh của gió, Chờ hương thả gió… vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 5-2025.

Bìa tập thơ "Ngậm ngải tìm trầm" của Hồ Sĩ Bình.
Bìa tập thơ "Ngậm ngải tìm trầm" của Hồ Sĩ Bình.

Với 44 bài thơ chọn lọc, Ngậm ngải tìm trầm thể hiện một ngôn ngữ tinh tế, giàu nhạc điệu, kết hợp từ ngữ được chắt lọc một cách sáng tạo, qua những thi ảnh giàu sức gợi: "khói tàu thuở ấy mà như mộng/ thăm thẳm trường giang ngó xanh rì" (Nhiều khi), "gió xõa tóc ngược dòng sương/ bay theo con chuồn chuồn nằm nghe ký ức" (Người về)..., "rượu đã nhạt phai mà thu thủy/ vẫn cứ say hoài nét xuân sơn"... Tập thơ xây dựng thành công một hệ thống các biểu tượng nhất quán như: ngải, trầm, rừng, hoa dại, cỏ hồng, sóng, sương... Những hình ảnh được lặp đi lặp lại, tạo nên một không gian nghệ thuật riêng biệt đầy ám ảnh.

Đáng chú ý, thơ Hồ Sĩ Bình vừa có sự trầm mặc, cổ kính khi nhắc đến "Tô Đông Pha", "liễu tây hồ" trong mối quan hệ quan tâm của con người với cây cỏ, vừa có hơi thở của đời sống hiện đại thể hiện thái độ phản kháng, chống đối chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến tranh xâm lược. Bài thơ "Gửi người bạn thích đọc Erich Maria Remarque", Hồ Sĩ Bình đã có những đánh giá rất sâu sắc về những tác phẩm của tác giả Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh: "quyển sách viết về chiến tranh hay nhất mọi thời đại/ từng bị kẻ ác đốt thành tro bụi/ nhưng ai đốt được những chúc thư"… Bài thơ thể hiện một thái độ rõ ràng, dứt khoát, là lời cảnh tỉnh nhân loại, căm phẫn đối với những cuộc chiến tranh bất kỳ đến từ đâu, thể hiện một góc nhìn giàu lòng nhân ái, lương tâm của con người.

Xuyên suốt tập thơ là hình ảnh của một chủ thể trữ tình đang trên đường tìm kiếm những giá trị đích thực, trân quý của "kẻ ngậm ngải tìm trầm" dẫu trải qua nhiều cay đắng. Ngậm ngải tìm trầm là đi tìm kỳ nam, một loại hương liệu, dược liệu quý giá mà kẻ tìm trầm phải đi xuyên rừng sâu, qua "hàng vạn vạn cây dó bầu" "triệu triệu cơn gió xô nhau quần thảo" và "tự vết thương tổn đời mình tích tụ thành hương/ ủ kín nỗi đau kia giữ lại kỳ nam" để "dâng tặng người ngậm ngải". Cuộc kiếm tìm cực kỳ gian khổ, có khi phải hy sinh tính mạng giữa rừng sâu, vì thế "người có biết không/ bạc mặt rừng râu tóc/ nơi tiên nữ hóa thân kỳ mộc" (Ngậm ngải tìm trầm). Bài thơ được thể hiện bằng một ngôn ngữ đầy tính ấm dụ, ẩn ngôn. Đó là chủ đề và mạch cảm xúc chính tạo nên một thế giới nghệ thuật đa chiều của tập thơ. Bên cạnh sự tìm kiếm cái đẹp có giá trị vĩnh hằng "chỉ cái đẹp mới cứu rỗi thế giới" (Dos), ẩn sâu trong hình tượng thơ, còn thể hiện những phút giây trùng ngộ trong tình yêu đôi lứa, tìm và mong hạnh ngộ yêu thương dù đã trải qua từ tuổi trẻ đến suốt cả đời người. Và đôi khi, giữa hy vọng mong manh đã cạn hết sức lực giữa nghìn trùng dâu bể chắc gì có phút "tương ngộ dâu ngàn": "đôi mắt ai đã đẫm màu dâu bể/ nhưng thanh xuân vẫn gõ cửa bên đời/ lúng liếng nụ cười tươi vui đến thế/ rũ hương bay nắng sớm trên đồi" (Màu hoa sóng dội).

Tình yêu cũng mang nhiều sắc thái trong thơ: có sự chờ đợi, những giây phút nồng nàn và cả chia ly, cách trở. Hình ảnh người nữ là một nguồn cảm hứng lớn xuyên suốt và bao trùm cả tập thơ, hiện lộ mờ ảo trong "áo hoa", trong "tà áo xanh", "khi bước ra từ bạt ngàn hoa cỏ". Có cái gì vừa là cụ thể, vừa là biểu tượng của cái đẹp, của những gì từ thời tuổi trẻ thiêng liêng mà tác giả theo đuổi, được viết bằng một giọng điệu chủ đạo trầm buồn, suy tư, chiêm nghiệm nhưng không bi lụy bởi những khoảnh khắc trong sáng, lãng mạn và một niềm tin bền bỉ vào cái đẹp và tình yêu được thể hiện linh hoạt trong thơ với một thứ cảm xúc nhẹ nhàng sâu lắng trĩu nặng ưu tư.

Đã rất nhiều lần Ngậm ngải tìm trầm nhắc đến những loài hoa với những truyền dẫn khơi gợi niềm cảm hứng sáng tạo trong thi pháp của Hồ Sĩ Bình. Hoa không chỉ là đối tượng miêu tả mà đã trở thành như một chủ thể trữ tình bàng bạc nhưng dậm dựa một tình yêu say đắm gởi trao tâm tư thầm kín "hoa đã trở lại trên tay ngà/ như tình yêu từ lâu chờ đợi…(Chiều bên đồi xưa)… nơi những hoa cúc dại, cúc mặt trời/ nốt nhạc trầm e ấp hoang vu… nơi tiếng gọi từ vực sâu lầm lỗi… (nơi giấc mơ bắt đầu đã muộn màng). Không phải ngẫu nhiên mà có sự xuất hiện của những "hoa dại trắng chơi vơi", "rưng rức bốn mùa hoa ngũ sắc" "ai xa vướng bận áo sơn quỳ" "lắt lay hoa dại hiên nhà đăm đăm", "có còn không hương đêm hoa dại", "hoa bìm bìm tim tím màu sử thi", "hoa xuyến chi trắng muốt"… Những loài hoa dại "tội nghiệp" mà "người đời ít biết tên/ đã vội quên/ riêng em thì em nhớ/ em thương…(Lời tạ ơn vớt lên từ ký ức). Tình cảm giữa người và hoa dại gần gũi thương yêu, thương cảm thể hiện sự trân quý, đã đánh thức trong lòng người đọc về một tâm tình của những phận đời hoa bị che khuất, quên lãng để có khi phải cúi xuống, hạ thấp người xuống để "trò chuyện cùng hoa dại". Chuyện của đời hoa dại ở đây cũng là chuyện của con người cùng khổ mà thế gian không nhìn thấy những giá trị, phẩm chất đôi khi ta hờ hững vội bỏ qua đi.

Ngậm ngải tìm trầm thể hiện sự chín muồi trong phong cách của tác giả Hồ Sĩ Bình. Tập thơ không chỉ là sự giãi bày cảm xúc cá nhân mà còn chạm đến những vấn đề phổ quát của kiếp người: hành trình đi tìm bản thể của cái đẹp có tính vĩnh hằng mà sáng tạo văn chương hướng đến. Đó là vẻ đẹp của ký ức, sự cứu rỗi của tình yêu đối với rừng núi, hoa cỏ của người mẹ thiên nhiên "rừng đã bị tàn phá lở lói/ nhưng mặt đất lại bao dung/ sẵn sàng che chở tha thứ/ tất cả những rác rưởi bỏ lại/ đã vứt đi/ đều được đất ủ ấm chờ ngày phục sinh/ cân bằng sinh thái trái tim của mẹ rừng… (Lại nhớ rừng), và thái độ, suy gẫm, ý thức của người cầm bút thế giới quanh đây, với cuộc đời lắm nỗi đa đoan... Đó là một hành trình tìm kiếm vẻ đẹp tinh túy từ những trải nghiệm sâu sắc của cuộc sống, được thể hiện bằng một ngôn ngữ thơ tinh tế và một thế giới hình ảnh đầy ám ảnh….

Trần Trung Sáng