Bức ảnh giải mã vụ mất tích bí ẩn nữ phi công Amelia Earhart?

Thứ năm, 13/07/2017 11:36

(Cadn.com.vn) - Một bức ảnh mới được phát hiện được cho là chìa khóa giải thích sự biến mất của nữ phi công lừng danh người Mỹ Amelia Earhart cách đây 80 năm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bức ảnh này đã có trước khi bà Earhart mất tích.

Bức ảnh được cho là có sự xuất hiện của bà Earhart và ông Noonan (khoanh tròn).     Ảnh: CNN

Bức ảnh có trước hay sau vụ mất tích?

Bức ảnh này là nội dung chính của bộ phim tài liệu dài 2 giờ đồng hồ được chiếu trên Kênh Lịch sử có tiêu đề "Amelia Earhart: Bằng chứng vụ mất tích".

Trong bức ảnh, được một cựu nhân viên kho bạc Mỹ phát hiện trong Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ, cho thấy, bà Earhart và Fred Noonan, người cùng bà thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới theo đường xích đạo trước khi biến mất, trên bến tàu ở đảo Jaluit Atoll thuộc Quần đảo Marshall vào năm 1937. Điều này làm tăng niềm tin vào giả thuyết, bà bị quân đội Nhật bắt, vì quần đảo Marshall được Tokyo quản lý trong hai cuộc Thế chiến.

Tuy nhiên, ngay sau khi bức ảnh được công bố, nhiều câu hỏi được đưa ra liên quan thời gian bức ảnh được chụp. Dorothy Cochrane, người phụ trách Bộ phận Hàng Không tại Bảo tàng Không gian Quốc gia Smithsonian, không tin rằng, người trong ảnh là bà Earhart.

Hai blogger khác cho biết, họ từng nhìn thấy bức ảnh trong một cuốn sách tại một tiệm cà- phê Nhật Bản vào năm 1935 - thời điểm bà Earhart vẫn đang sống tại Mỹ. Các blogger này khẳng định bức ảnh này đã được xuất bản lần đầu trong một cuốn sách du lịch có tiêu đề "Album ảnh các quần đảo Nam Thái Bình Dương". Cuốn sách này được nhìn thấy trong một bức ảnh kỹ thuật số lưu trữ trong Thư viện Dinh dưỡng Quốc gia của Nhật Bản, nơi lưu giữ số lượng sách nhiều nhất nước.

Matt Holly, một trong hai blogger cho rằng, người được xác định là Earhart trong bức ảnh thậm chí có thể là một người đàn ông. Ngoài ra, Holly cho rằng, việc thiếu sự hiện diện của binh lính Nhật trên bến tàu cho thấy nó không được chụp vào năm 1937. "Vào năm 1937, đang xảy ra chiến tranh và các hoạt động quân sự của Nhật ở quần đảo Marshall. Không có một người Nhật nào trên bến tàu. Nếu vào năm 1937, sẽ có binh lính Nhật ở đó", ông nói.

Kênh Lịch sử cho biết trong một tuyên bố hôm 11-7 rằng, các nhà nghiên cứu đang điều tra bức ảnh mới nhất này và kênh này sẽ "làm rõ những phát hiện này" trong thời gian đến. "Sự chính xác của lịch sử là quan trọng nhất đối với chúng tôi và người xem", tuyên bố cho biết.

Phi công nổi tiếng thế giới

Earhart là một trong những phụ nữ được kính trọng nhất và là phi công nổi tiếng trên toàn thế giới trong những năm 1930.

Bà là người phụ nữ đầu tiên một mình bay xuyên Đại Tây Dương vào tháng 5-1932. Sau thành công này, bà bắt tay thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới theo đường xích đạo. Sau khi mua chiếc Electra L-10E của Hãng Lockheed năm 1935, bà mời được 3 người tham gia gồm hoa tiêu thứ nhất Harry Manning, hoa tiêu thứ hai dày dạn kinh nghiệm về hàng hải lẫn hàng không Fred Noonan và phi công Paul Mantz làm cố vấn kỹ thuật.

Cochrane cho biết: "Trong hơn 1 tháng, hàng triệu người đã theo dõi chuyến bay vòng quanh thế giới này, và khi Earhart và Noonan biến mất trên đường bay từ Lae, New Guinea, tới đảo Howland nhỏ bé, mọi người thực sự sốc".

Trong 80 năm qua, vô số giả thuyết được đặt ra xung quanh số phận của nữ phi công Earhart. Giả thuyết đầu tiên được đưa ra là máy bay hết nhiên liệu và rơi xuống Thái Bình Dương. Đây là giả thuyết chính thức được chính phủ Mỹ công nhận. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nữ phi công cùng hoa tiêu Noonan đã bị quân Nhật bắt và giam giữ trên đảo Saipan cho đến khi qua đời. Một số giải thuyết khác cho rằng, Earhart là gián điệp của chính phủ Mỹ, hoặc bà đã sống sót khi hạ cánh nhưng đã chết do lạc đường. "Ai cũng muốn biết điều gì đã xảy ra, và đây là một trong những bí ẩn lớn nhất của thế kỷ XX", Cochrane cho biết.

AN BÌNH (Theo CNN)