Bức tâm thư

Thứ năm, 01/01/2015 10:05

(Cadn.com.vn) - Tác giả bức tâm thư trên là Tăng Thị Lan Phương (1974, trú P. Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) bị kết án 15 tháng tù giam vì liên đới đến một vụ sản xuất ma túy đá. Hai lần đổ vỡ trong hôn nhân, Phương run rẩy như con chim non sợ đậu phải cành cong, ôm con về sống với bố tại chung cư B3 Quang Trung. Nhưng, với những khao khát rất đỗi bình thường của một phụ nữ, Phương đã tìm một nửa cho đời mình, nhưng lần này chị lại lạc lối. Người tình của chị, Lê Thanh Hải (1974, trú P.Quang Trung, TP Vinh), người mà Phương quen và yêu khi đang là bà chủ một trung tâm khiêu vũ khá có tiếng trên phố Lê Hồng Phong (TP Vinh). Cả hai nhanh chóng thành một cặp đôi, thuê nhà trọ ở P. Hưng Bình để sinh sống. Phương nào có ngờ, Hải là một “ông trùm” chuyên sản xuất ma túy đá. Hải đã sử dụng chính căn nhà của bố mẹ đẻ để làm đại bản doanh.

Quen nhau được 2 tháng thì Hải bị bắt, khám xét nơi ở, lực lượng CA thu giữ 1.300 gam tinh thể màu trắng chứa 464,1 gam Methamphetamine, 15 can dung dịch không màu chứa 131 gam tiền chất Pseudoephedrine, một số can, lọ đựng tiền chất, hóa chất và các dụng cụ để sản xuất ma túy. Phiên tòa sau đó tuyên phạt Lê Thanh Hải 18 năm tù giam và Tăng Thị Lan Phương 15 tháng tù, thụ án tại trại tạm giam CA tỉnh. Sau thời gian chấp hành án phạt tù, Phương trở về nhà trong vòng tay chào đón của người cha già và đứa con thơ, bắt đầu hành trình làm lại cuộc đời.

Trở về nhà, đối diện với những ánh mắt xoi mói, kỳ thị của người đời, Phương như suy sụp tinh thần, mất phương hướng. Nhưng, với tấm lòng bao dung, vị tha của người cha già, Phương nghĩ mình phải cố gắng thật nhiều để vượt qua thử thách, vượt qua chính mình, tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Thế nên chị đã đi làm, làm bất cứ việc gì miễn là không để thời gian chết, từ rửa chén bát, nấu ăn, đến phụ công tại cơ sở làm xúc xích..., thu nhập không phải là vấn đề chính với bản thân chị lúc này.

Một buổi dạy kèm của “cô giáo” Phương.

Khi đã lấy lại được sự thăng bằng trong cuộc sống, chị bắt đầu được bố là ông Tăng Ngọc Nuôi hướng theo nghề “gõ đầu trẻ” của mình. Phương vốn là một học sinh giỏi môn Toán, đã giành rất nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, nên ông biết Phương có năng khiếu về toán học. “Cho con gái đứng lớp, tôi đã nói cho phụ huynh học sinh biết hết mọi chuyện, ban đầu họ chưa hiểu nên không biết Phương sẽ dạy các cháu như thế nào. Nhưng sau một thời gian, biết được năng lực của “cô giáo” Phương nên không có ai phản đối nữa”- ông Nuôi tự hào.

Lớp học của “cô giáo” Phương mở ngay trong căn hộ chung cư, với khoảng 30 học sinh, nhiều em trong số đó là con em cán bộ công chức trên địa bàn. Tăng Thị Lan Phương chia sẻ: “Hàng tháng, được nhận đồng lương do công sức mình đổ ra, một phần tôi trích lại để báo hiếu, một phần nuôi con, một phần lo cho bản thân, bớt chút ít mua quà gửi vào cho những người đang chịu án phạt tù trong trại tạm giam Nghi Kim đã từng gắn bó với tôi trong thời gian ở trại. Mỗi lần gửi quà, tôi lại cầu mong họ cải tạo thật tốt để sớm được trở về với gia đình, với xã hội”.

Xuân Sơn

“Thế là đã hơn một năm kể từ khi tôi bước chân rời khỏi cổng trại tạm giam. Tôi quên sao được khi cánh cửa sắt cổng trại từ từ khép lại phía sau như khép lại quá khứ lầm lỗi của mình. Tôi nhìn về phía trước cả một chân trời sáng đầy hứa hẹn. Tôi bồi hồi nhớ lại những tháng ngày sống trong trại. Mỗi người mang mỗi mức án khác nhau. Chung quy lại, do nôn nóng, không làm chủ được bản thân hoặc khát vọng làm ra đồng tiền phi pháp một cách nhanh chóng… Với tôi, 15 tháng ở trong trại tôi đã học được rất nhiều. Điều quan trọng nhất đó là cách làm người và nhìn người. Tôi xem nơi đây là một trường đời rèn luyện bản thân mình.

… trong sự lo âu, khắc khoải tôi chỉ biết khóc và khóc thôi, tôi thấy thời gian trôi đi sao mà nặng nề vậy, có lúc tôi cảm nhận như thời gian dừng lại. Nhìn ánh điện le lói xuyên qua cửa sổ tôi ngồi thu mình lại trong sự cô đơn lạnh lẽo. Tôi nghĩ đến cuộc đời mình, đến những người thân yêu của mình, nghĩ đến những việc làm sai trái mà bản thân tôi phải gánh chịu, hai hàng nước mắt tuôn trào, tôi cảm nhận được vị chát mặn của nó…

Giám thị Trại Tạm giam Trần Thăng Long vào gặp gỡ, động viên tôi cố gắng cải tạo tốt, sau này ra nhớ đi theo con đường truyền thống nhà giáo của gia đình, "chứ ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần". Lời nói của ông khi nào cũng văng vẳng bên tai, như là kim chỉ nam thôi thúc tôi vững vàng đi trên con đường mới...

Tôi đã về với cuộc sống đời thường... tôi muốn nhắn gửi lại những ai đã một lần lầm lỗi, lúc đó khác nào chúng ta đang ở khúc quanh của con đường nhiều bóng tối. Chúng ta nên nhìn lại để bước tiếp trên con đường có ánh mặt trời. Phía cuối con đường là ngôi nhà, là tổ ấm là những người thân thương đang chờ đợi, đừng quá tự ty, mặc cảm với những lỗi lầm của mình, mình phải sống với hiện tại và tương lai”.