"Bức tử" sông Lam
Hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp màu mỡ đang bị xóa sổ và dần bị xóa sổ, nhiều tuyến đê kè sạt lở và tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng là thực trạng đang diễn ra dọc bờ sông Lam đi qua huyện Hưng Nguyên và các huyện lân cận của tỉnh Nghệ An. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có vấn nạn khai thác cát sỏi trái phép rầm rộ trong những năm gần đây.
Một bờ kè sông Lam bị sạt lở mới được nhà nước tu sửa lại. |
"Sa tặc" ven sông Lam
Nhiều ngày qua, người dân các xã Hưng Lam, Hưng Khánh, Hưng Xuân, Hưng Lợi... (H. Hưng Nguyên) liên tục phản ánh về tình trạng khai thác cát ven sông Lam. Điều đáng nói, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Nghệ An nhưng tình trạng khai thác cát sỏi trái phép chỉ tạm lắng một thời gian rồi lại tái diễn ngày càng tinh vi hơn. Từ phản ánh của người dân, đầu tháng 5-2018, chúng tôi đã có chuyến thực tế dọc theo tuyến đê Tả Lam đi qua các xã Hưng Khánh, Hưng Lam, Hưng Xuân... Từ triền đê nhìn xuống, bãi ngô xã Hưng Lam xanh mướt một màu như dải lụa mềm mại trải dọc theo dòng sông Lam. Theo người dân nơi đây thì bãi ngô này trước đây rộng và kéo dài ra giữa dòng sông hàng chục mét nhưng do tình trạng khai thác cát diễn ra liên tục trong thời gian dài nên đất sản xuất đã bị thu hẹp dần. Những tuyến kè được nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng đã và đang sụt xuống lòng sông.
Ông Trần Văn Bình (trú xóm 5, xã Hưng Lam) bức xúc: "Từ khi có thông tin khu vực gần sát đền Long Giang có nhiều cát nhỏ, đẹp nên nhiều người đổ xô đến khai thác ngày đêm. Việc khai thác cát diễn ra trong một thời gian dài khiến đất bờ sông lở đến sát đền, đất sản xuất bị thu hẹp, người dân chúng tôi lo lắng trước nguy cơ mất làng. Ban đêm máy hút kêu ầm ĩ, nhà ở gần đây không tài nào ngủ được, cả xóm phải cắt cử người ra trông coi, nhưng tàu cát vẫn cứ hút, bà con tay không chỉ biết đứng trên bờ nhìn xuống. Vừa qua, báo chí phản ánh nhiều nên tình trạng khai thác đã giảm đi, "sa tặc" không còn ngang nhiên khai thác ban ngày nữa mà chuyển sang ban đêm. Cứ khoảng 10 giờ đêm thì họ bắt đầu đến hút cát liên tục đến sáng hôm sau, thứ bảy-chủ nhật thì hút cả ban ngày".
Theo ghi nhận của PV, dọc triền sông qua các xã, vòi rồng, máy nổ hoạt động liên tục, tàu chở cát vào ra bến bãi tấp nập, xe tải liên tục vào "ăn" cát khiến các bến bãi luôn tấp nập, ồn ào. Việc khai thác cát khu vực sông Lam không chỉ ảnh hưởng đến đất sản xuất của bà con nông dân mà còn làm cho các tuyến kè đá nhà nước đầu tư xây dựng dần sạt lở, sửa sang liên tục nhưng vẫn không ăn thua, gây lãng phí kinh khủng. Nhiều hộ dân xã Hưng Lam sống gần sông không dám xây dựng nhà cửa kiên cố vì lo ngại sẽ mất làng nếu như vấn nạn cát tặc không được dẹp bỏ.
Cũng theo người dân địa phương, phía sau đền Long Giang còn có bãi tập kết lớn, hàng ngày xe chở cát trọng tải lớn đi trên đường bê tông, đường dự án làng nghề khiến con đường này ngày càng hư hỏng. Vấn đề này cũng đã được người dân xóm 5 kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Người dân xã Hưng Lam bức xúc về nạn khai thác cát làm sụt lở đất nông nghiệp. |
Bến tập kết cát của Công ty khai thác chế biến khoáng sản sạch Yến Nhi nằm sát hành lang cầu đường sắt Yên Xuân. |
Bến cát trái phép "ung dung" hoạt động
Theo số liệu từ Sở GTVT tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 124 bến cát sỏi hoạt động, trong đó chỉ có 23 bến được cấp phép, trong đó riêng trên sông Lam có đến 88 bến bãi không cấp phép. Tại xã Hưng Xuân, chúng tôi ghi nhận 2 bến tập kết cát sỏi trái phép. Nằm sát chân cầu sắt Yên Xuân là bãi tập kết cát của Công ty khai thác chế biến cát sỏi sạch Yến Nhi. Để vào bến cát chỉ có một con đường duy nhất rộng chừng 5m dẫn lên cầu. Chị Nguyễn Thị T., sống gần khu vực cầu Yên Xuân cho biết: khu vực này là hành lang đi lên cầu đường sắt Bắc - Nam rất nhỏ, bình thường người dân qua lại khu vực này rất khó khăn. Thế nhưng hàng ngày, những chiếc xe tải trọng lớn vẫn được phép ra vào chở cát khiến giao thông khu vực này không được đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Trong khi đó, theo quy định thì trong vòng bán kính 150m từ chân cầu Yên Xuân, không được xây dựng, đào bới làm ảnh hưởng đến chân cầu. Việc tàu thuyền tập kết dưới cầu, các máy múc hoạt động trong phạm vi bán kính bảo vệ cầu đều vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn cầu.
Trao đổi với người quản lý tại bến cát của Công ty khai thác chế biến cát sỏi sạch Yến Nhi, người này khẳng định thủ tục cấp phép bến bãi gần xong rồi, hoàn thành được 95% rồi, giờ chỉ chờ giấy của Bến thủy nội địa thôi. Công ty cũng mới làm được 3 năm nhưng bị đình chỉ mất 1,5 năm nên mới hoạt động lại. Cách đó không xa là một bãi tập kết cát của Công ty vật liệu xây dựng Hàng Hải hoạt động đầu năm 2018. Toàn bộ diện tích hàng nghìn mét vuông đất bến bãi đều là đất nông nghiệp, được chủ bến mua của các hộ dân trong vùng. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Cảnh Toàn - Phó Chủ tịch xã Hưng Xuân cho biết: sông Lam chảy qua địa bàn xã Hưng Xuân dài khoảng 2,5km nhưng không có bất cứ một đơn vị nào được phép khai thác cát sỏi. Hiện tại có 3 bến bãi tập kết cát, trong đó có một bến của Công ty vật liệu xây dựng Kiều Diệu là được cấp giấy phép còn 2 bến còn lại của Công ty khai thác chế biến cát sỏi sạch Yến Nhi và Công ty vật liệu xây dựng Hàng Hải thì chưa được cấp phép. Sau khi nhận được chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, xã cũng đã có cuộc họp mời các chủ bến đến cam kết và có đình chỉ các chủ bến này. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền xã khi để hai bến cát trái phép ngang nhiên hoạt động thì ông Toàn từ chối trả lời với lý do ông chỉ phụ trách mảng văn xã (!). P.V đã nhiều lần liên hệ với Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân nhưng không nhận được sự hợp tác trong việc cung cấp thông tin.
Còn tại xã Hưng Khánh, ông Hoàng Đức Thông, Chủ tịch UBND xã cho biết, mới đây, Thanh tra Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An kiểm tra và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tuấn Chiến 15 triệu đồng. Xã đã mời đơn vị này đến làm việc và thống nhất trong 1 tháng Công ty phải hoàn thiện các thủ tục cấp phép, nếu không sẽ phải bị đình chỉ. Tuy nhiên, thời điểm PV thực tế thì bến cát này vẫn hoạt động bình thường. Có thể thấy rằng, hàng loạt bến bãi tập kết cát sỏi trái phép đang tiếp tay cho nạn khai thác cát sỏi trái phép ở Nghệ An, bởi hầu như tất cả cát sỏi khai thác trái phép đều được vận chuyển đến những bến bãi trên để tập kết đưa đi tiêu thụ. Mặc dù có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng nhưng tình trạng này chỉ lắng xuống được một thời gian và tiếp tục tái diễn sau đó.
Đã đến lúc phải quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản. Đối với những khu vực giáp ranh, các tỉnh có liên quan cần xây dựng phương án phối hợp nhằm đảm bảo việc khai thác khoáng sản được diễn ra nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật.
AN BÌNH