Bức xúc vì ô nhiễm, người dân chặn xe vào bãi rác Đại Hiệp
Nhiều năm qua, người dân thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp (H. Đại Lộc, Quảng Nam) rất bức xúc vì phải sống trong môi trường bị ô nhiễm nên nhiều ngày nay, hàng trăm người dân địa phương lập gác chắn, cử người canh giữ 24/24 giờ không cho các loại phương tiện vào đổ rác tại bãi rác Đại Hiệp. Việc các phương tiện không thể ra vào bãi xử lý rác thải lớn nhất đã khiến tình trạng thu gom, xử lý rác thải tại Quảng Nam càng thêm khó khăn.
Nước thải từ bãi rác gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và 10ha lúa của người dân. |
Bãi rác Đại Hiệp đi vào hoạt động từ năm 2007 với tổng diện tích khu xử lý rác là 7,8ha, xử lý rác thu gom từ các địa phương: Đại Lộc, Điện Bàn và Duy Xuyên. Do sức chứa và xử lý đã vượt mức nên UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo đóng cửa hoàn toàn bãi rác này từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, thời hạn đóng cửa bãi xử lý rác thải Đại Hiệp tiếp tục bị lùi sang cuối năm 2018 rồi 2019 và cho đến hiện nay.
Ông Đinh Công Sơn, trưởng thôn Phú Quý, cho hay: Việc kéo dài thời gian sử dụng bãi xử lý rác thải Đại Hiệp đã gây bức xúc cho người dân. Do không được phun thuốc khử độc, tiêu trùng thường xuyên nên bãi rác gây ô nhiễm không khí nặng nề, toàn bộ nước thải từ bãi rác được cho chảy ra cánh đồng lúa An Phong rộng gần 10ha gây mất mùa; nguồn nước ô nhiễm nên người dân bị thiếu nước sạch trầm trọng… Bên cạnh đó là việc Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam (đơn vị quản lý bãi rác) nhiều lần hứa hẹn sẽ đầu tư, cung cấp nước sạch cho nhân dân nhưng không chịu thực hiện. Một nghịch lý khác là người dân ở đây phải sống chung với rác nhưng hàng tháng vẫn phải nộp tiền rác cho đơn vị thu gom rác…
Do quyền lợi thiết thân bị xâm hại nên người dân bức xúc, tự xây dựng gác chắn không cho xe ra vào đổ rác. Cũng theo một số người dân, việc môi trường nước, không khí bị ô nhiễm đã làm đảo lộn cuộc sống bình thường. Cụ thể, mùa màng bị thất bát, sức khỏe bị ảnh hưởng… Hơn nữa, Đại Hiệp là xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng không khí và nguồn nước như vậy liệu có phải… chuẩn.
Ông Đỗ Quang Cảng- Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, xác nhận: Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí… do bãi rác gây ra là có thật. Nhiều lần UBND xã gửi văn bản yêu cầu đơn vị điều hành bãi rác có biện pháp khắc phục bằng cách xây dựng hệ thống xử lý nước thải, phun thuốc khử mùi… để giảm thiểu ô nhiễm song tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục. Riêng về việc người dân lập gác chắn ngăn xe vào đổ rác, địa phương đã cử nhiều đoàn cán bộ vào đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân gỡ gác chắn để bãi rác có thể hoạt động bình thường song chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân.
Bức xúc, người dân thôn Phú Quý dựng gác chắn, không cho xe vào bãi rác. |
Liên quan đến sự việc trên, ngày 12-2-2020 ông Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các ngành, địa phương có liên quan thực hiện một số biện pháp nhằm duy trì sự hoạt động bình thường của các khu xử lý rác Tam Xuân 2, Tam Nghĩa, Đại Hiệp… Cụ thể, Sở TN&MT chủ trì tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về công tác quy hoạch các khu xử lý, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý… rác tại các địa phương, giao H. Đại Lộc khảo sát, xác định nhu cầu để cung cấp nước sạch cho nhân dân xã Đại Hiệp. Tỉnh cũng yêu cầu H. Đại Lộc tổ chức đối thoại, giải thích với nhân dân về chủ trương của UBND tỉnh, triển khai các giải pháp duy trì thời gian vận hành khu xử lý rác Đại Hiệp trong thời gian chưa có khu xử lý rác mới thay thế…
Ngày 20-2-2020, trao đổi cùng chúng tôi, ông Hồ Ngọc Mẫn- Phó chủ tịch UBND H. Đại Lộc, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngày 18-2-2020 lãnh đạo H. Đại Lộc cùng lãnh đạo Sở TN&MT có buổi đối thoại cùng với một số người dân thôn Phú Quý song buổi đối thoại không đạt kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, một điều mà ai cũng có thể biết rõ là bãi rác Đại Hiệp đang tồn tại nhiều nguy cơ cao làm ảnh hưởng xấu đến môi trường nên huyện Đại Lộc nhiều lần đề nghị đóng cửa nhưng vẫn chưa được thực hiện. Hiện tại, huyện đã thực hiện một số công việc do lãnh đạo tỉnh giao là lập dự án hỗ trợ nước sạch cho 180 hộ dân tại thôn Phú Quý, làm công tác tư tưởng để người dân gỡ bỏ gác chắn, tiếp tục cho đổ rác; phối hợp các cơ quan chức năng tìm vị trí xây dựng lò đốt rác mới…
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân thôn Phú Qúy dựng gác chắn, không cho xe ra vào bãi rác Đại Hiệp nhằm buộc công ty Môi trường đô thị có những biện pháp nhằm giảm thiểu gây ô nhiễm về lâu dài. Cụ thể, phải xây dựng đê bao xung quanh nhằm đề phòng núi rác bị sạt lở, xây dựng hệ thống xử lý nước thải để tránh việc nước thải gây thiệt hại đến 10ha lúa tại cánh đồng An Phong, tăng cường phun hóa chất khử mùi, đảm bảo việc chôn rác đúng quy trình.
Như vậy, việc di dời bãi xử lý rác thải Đại Hiệp chỉ còn vấn đề thời gian. Tuy nhiên, để tránh gây bức xúc cho người dân thì ngoài việc vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, công ty Môi trường đô thị cũng có những biện pháp xử lý tích cực để khắc phục tình trạng ô nhiễm và có như vậy mới làm cho người dân yên tâm, không có những phản ứng gay gắt như vừa xảy ra.
M.T