Bùi Giáng - Nhà thơ tài năng
(Cadn.com.vn) - Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất thi sĩ Bùi Giáng (1998-2013), ngày 14-9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức “Tọa đàm về thi sĩ Bùi Giáng”, qua đó nhằm xác minh thêm một số tư liệu về nhà thơ, thống nhất đánh giá các giá trị mà Bùi Giáng - một nhà thơ của thế kỷ XX để lại cho văn chương Việt Nam.
PGS TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nhận định, Bùi Giáng là một nhà thơ tài năng kỳ lạ, một nhà nghiên cứu triết học sâu sắc, một nhà phê bình văn học uyên thâm và một dịch giả tài hoa. Thơ ca ông là những thử nghiệm, khám phá khả năng diễn đạt của ngôn ngữ tiếng Việt. Tiếng Việt qua thơ của Bùi Giáng trở nên phong phú hơn, đa sắc hơn, lung linh và kỳ bí hơn. Tại buổi tọa đàm, mỗi tham luận thể hiện những góc nhìn khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp thi sĩ Bùi Giáng, nhưng tất cả đều gặp nhau ở lòng kính trọng, mến mộ một tài năng của dân tộc. Theo PGS TS Hồ Thế Hà, Đại học Khoa học Huế, Bùi Giáng là thi sĩ biệt tài, hiện tượng lạ của nền thơ ca Việt Nam, được công chúng yêu thơ mến mộ, truyền tụng.
Thi sĩ Bùi Giáng đã để lại cho văn học nước nhà gần 60 tác phẩm, chủ yếu thuộc 4 lĩnh vực: Thơ ca, bình giảng văn chương, nghiên cứu triết học và dịch thuật. Các tác phẩm được độc giả biết đến nhiều như: Mưa nguồn (1962), Trăng châu thô (1969), Ngày tháng ngao du (1971), Con đường ngã ba – Bước đi của tư tưởng (1972)... Hầu hết các tác phẩm của ông đã được tái bản nhiều lần, trong đó cuốn “Hoàng tử bé” được đánh giá là tác phẩm dịch thuật hay nhất do Giải thưởng sách hay bình chọn.
Thu Hoài