Bước đi chiến thuật

Thứ bảy, 22/08/2015 09:36

(Cadn.com.vn) - Trong tuyên bố đưa ra tối 20-8 (21-8, giờ Việt Nam), Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tuyên bố từ chức, đồng thời ấn định thời điểm tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 20-9 tới.

Hiện việc thành lập một chính phủ lâm thời cũng đã được xác định và người có khả năng tạm thời nắm quyền điều hành quốc gia Châu Âu này  trong một chính phủ quá độ là Chánh án Tòa án Tối cao Hy Lạp Vassiliki Thanou-Christofilou. Động thái lần này khiến nhiều người đặt ra nhiều câu hỏi. Vì sao nền kinh tế Hy Lạp vẫn quằn quại trong đau đớn? Vì sao ông Tsipras từ chức. Và vì sao ông vẫn cười khi tuyên bố từ chức?

Đối mặt với một sự sụp đổ hệ thống tài chính đe dọa tương lai đất nước, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras buộc phải chấp nhận yêu cầu của các chủ nợ, đặt ra nhiều chính sách cải cách kinh tế -khắc khổ - chính sách mà ông đã cam kết sẽ từ bỏ khi được bầu hồi tháng 1. Bản thân Thủ tướng Tsipras cũng thừa nhận kết quả đạt được trong đàm phán chưa được như mong muốn, song nhấn mạnh Athens đã qua giai đoạn khó khăn khi các Bộ trưởng Tài chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) - hay còn gọi là nhóm Eurogroup - thông qua gói cứu trợ thứ 3 cho nước này. 

Rõ ràng, dù tuyên bố từ chức của ông Tsipras là khá bất ngờ nhưng người ta cho rằng, đây là bước đi chiến thuật đầy khôn ngoan của vị chính trị gia này. Giới phân tích cũng cho rằng, mục đích tổ chức bầu cử sớm với ông Tsipras là nhằm tìm cách đè bẹp một cuộc nổi loạn ở bên trong nội bộ đảng Syriza cánh tả và “lấy lòng” cử tri ủng hộ chương trình cứu trợ tài chính mà ông đã thương lượng.

Thực tế cho thấy, Thủ tướng Tsipras không thể mang về cho người dân Hy Lạp một thỏa thuận tốt hơn từ các chủ nợ Châu Âu, và cuối cùng đã phải đặt bút ký một gói cứu trợ với “quá nhiều vết thâm tím trên người”. Tuy nhiên, một thực tế cũng không thể phủ nhận là hiện không có chính trị gia nổi tiếng nào ở Hy Lạp “dám làm, dám chịu” như ông Tsipras.

Vì thế, có thể thấy rõ, tuyên bố từ chức của Thủ tướng Tsipras là bước đi có nhiều tính toán. Bởi ông đang nuôi hy vọng sẽ tăng cường nắm giữ quyền lực trong cuộc bầu cử trước thời hạn sắp tới bằng chính lá phiếu thật sự, sau 7 tháng nắm quyền với nhiều chông gai khi Athens vướng vào vòng chiến đấu nợ nần chồng chất. Theo ông Tsipras, cử tri Hy Lạp lúc này sẽ phải quyết định, đồng thời phải làm rõ bằng lá phiếu của mình rằng, đất nước sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này ra sao, cũng như ai có thể đàm phán như thế nào.

Nhiều người lo ngại, quyết định của ông đào sâu bất ổn chính trị ở Hy Lạp trong bối cảnh nước này đã bắt đầu nhận quỹ cứu trợ trị giá 86 tỷ EUR (96 tỷ USD) chương trình cứu trợ tài chính. Nhưng một cuộc bầu cử sớm cho phép ông Tsipras tận dụng sự nổi tiếng vốn có với các cử tri trước thời điểm khó khăn nhất để mở đường trở lại nắm quyền ở một vị trí mạnh mẽ hơn và không vấp phải bất kỳ cuộc nổi loạn nào nữa.

Thanh Văn