Bước tiến biểu tượng
(Cadn.com.vn) - Ngoại trưởng John Kerry ngày 14-8 đã có mặt tại La Havana, thủ đô của Cuba để tham dự lễ thượng cờ Mỹ ở Đại sứ quán của nước này, đánh dấu bước tiến mang tính biểu tượng tan băng trong quan hệ giữa hai kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh.
Lễ thượng cờ trên tòa nhà Đại sứ quán Mỹ, lần đầu tiên trong 54 năm, diễn ra gần 4 tuần sau khi Mỹ và Cuba chính thức tái thiết lập mối quan hệ ngoại giao và nâng cấp cơ quan ngoại giao lên mức Đại sứ quán. Trong khi người Cuba cử hành lễ thượng cờ ở thủ đô Washington đúng vào hôm 20-7 - ngày hai nước chính thức mở lại Đại sứ quán - người Mỹ chờ đợi cho đến khi Ngoại trưởng Kerry có thể đến La Havana.
Cùng đi với ông Kerry, ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ đến thăm quốc đảo này trong 70 năm qua, có các trợ lý, các thành viên Quốc hội và 3 lính thủy đánh bộ Mỹ. 3 người lính thủy đánh bộ này chính là những người cuối cùng đã hạ cờ Mỹ tại La Havana vào tháng 1-1961, đánh dấu chấm hết cho mối quan hệ giữa hai quốc gia bên bờ Đại Tây Dương (từ năm 1959 - thời điểm Cách mạng Cuba bùng nổ - Washington bắt đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với La Havana và các mối quan hệ hai trở nên xấu đi).
Phái đoàn Mỹ đến Cuba lần này sẽ chỉ lưu lại Cuba 1 ngày, trong đó ông Kerry chỉ tổ chức cuộc gặp mặt hạn chế với một số "nhà hoạt động nổi bật" vì không muốn làm tổn hại đến mối quan hệ với La Havana. Nhật báo El Nuevo Herald dẫn lời một số quan chức cho biết, Ngoại trưởng Mỹ cũng không mời những người bất đồng chính kiến ở Cuba tới dự buổi lễ thượng cờ lần này do quan ngại vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ giới chức La Havana.
Tòa nhà 7 tầng của Mỹ bên bờ biển ở La Havana và căn biệt thự của Cuba ở Washington đóng cửa im ỉm từ năm 1961 đến năm 1977, thời điểm được cả hai mở cửa trở lại vì lợi ích kinh tế. Nhằm chấm dứt sự thù địch lâu dài, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi cuối tháng 12-2014 công bố sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao, mở lại đại sứ quán và bình thường hóa quan hệ.
Ông chủ Nhà Trắng cũng đã sử dụng quyền hành của một tổng thống để nới lỏng một số hạn chế du lịch và thương mại đối với Cuba. Tuy nhiên, Quốc hội - hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát - phản bác bất kỳ nỗ lực nào của tổng thống trong việc chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế rộng lớn hơn của Mỹ đối với Cuba.
Chính quyền Tổng thống Obama cho rằng, chính sách lâu dài của Washington - vốn nỗ lực ép buộc thay đổi Cuba thông qua cách ly - đã không thành công. Phát biểu trên truyền hình Univision trước chuyến đi, Ngoại trưởng Kerry hy vọng sẽ nhìn thấy "sự chuyển đổi" lớn. "Nhiều người sẽ đi du lịch, sẽ được trao đổi nhiều hơn. Nhiều gia đình sẽ được gặp lại nhau", ông nói.
Trên thực tế, chính sách cấm vận kéo dài hơn 50 năm qua (Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại Cuba hồi năm 1962) của Washington khiến La Havana bị ảnh hưởng nặng nề. Và đúng như lời nói của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro: "Mỹ nợ Cuba "nhiều triệu USD" vì lệnh cấm vận vô lý này".
Thanh Văn