Buổi phát thanh đầu tiên sau ngày giải phóng
(Cadn.com.vn) - Bà Nguyễn Thị Anh Trang (75 tuổi, ở P. Hòa Cường Bắc, Hải Châu-Đà Nẵng), phóng viên Đài Phát thanh Giải Phóng, là người vinh dự được phát chương trình đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng ngay sau ngày thành phố giải phóng (29-3-1975).
Quê ở Quy Nhơn (Bình Định), bà Trang ra miền Bắc năm 1954, học Trường Học sinh Miền Nam, sau đó thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ năm 1968, bà trở về Nam, công tác ở Đoàn 559 trên đường Trường Sơn. Giữa năm 1973, bà là Phóng viên Đài Phát thanh Giải Phóng thường trú tại miền Trung Trung Bộ (cơ quan đóng tại tỉnh Quảng Nam, Khu 5). Đầu năm 1975, tin chiến thắng từ các chiến trường bay về làm cả cơ quan náo nức niềm tin ngày toàn thắng đã đến gần. Cuối tháng 3-1975, bà vinh dự trực tiếp tham gia buổi phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng sau ngày Đà Nẵng giải phóng...Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, chúng tôi đã được nghe bà Trang kể lại câu chuyện rất nhiều ý nghĩa về buổi phát thanh đầu tiên ấy.
PV Nguyễn Thị Anh Trang hồi thành phố Đà Nẵng mới giải phóng. |
…Tôi vừa viết xong bài “Tiên Phước giải phóng” thì được triệu tập về Ban Tuyên huấn Khu 5 để nhận nhiệm vụ mới. Tại đây, tôi cùng nhiều đồng nghiệp được lệnh hành quân gấp về Đà Nẵng nhằm tiếp quản các cơ sở thông tin của địch. 14 giờ 30 ngày 29-3-1975, tôi có mặt tại một ngôi nhà bên bờ sông Hàn và được giao nhiệm vụ cùng với anh Kim Tuấn, anh Đoàn Bá Từ sang tiếp quản đài địch ở khu vực An Hải (Sơn Trà). Anh Kim Tuấn phụ trách chung, anh Đoàn Bá Từ đảm nhiệm phần tin tức, còn tôi làm phát thanh viên. Đồng chí Trương Công Huấn-Phó Ban tuyên huấn Khu 5 bảo chúng tôi phải chuẩn bị thật khẩn trương, phát sóng càng sớm càng tốt để đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế biết được thành phố Đà Nẵng-căn cứ quân sự lớn nhất của địch ở miền Trung đã được giải phóng. Tôi vừa mừng vừa lo và nghĩ rằng đây là diễm phúc có một không hai của đời mình, lòng thầm hứa sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt. Nhưng tôi cũng rất tự tin vì trước khi vào Nam, tôi đã được học nghiệp vụ phát thanh, cách lập chương trình phát thanh và đã trực tiếp giới thiệu chương trình dân ca, nhạc cổ Khu 5 trên Đài Phát thanh Giải phóng.
Sáng 30-3-1975, chúng tôi đi ô-tô đến đài An Hải. Thật bất ngờ là nơi đây có 28 nhân viên của đài địch trước đó hân hoan chào đón chúng tôi và tỏ rõ thái độ thành thật phục vụ cho chính quyền mới. Anh Kim Tuấn quyết định sử dụng lại các nhân viên này, ai làm vị trí nào trước đây thì vẫn tiếp tục được làm việc như cũ, trừ những người biên tập. Tôi nhanh chóng làm quen với các nhân viên nữ. Họ là phát thanh viên, đánh máy, phục vụ, tuổi đời đều còn rất trẻ. Trong chốc lát, chúng tôi đã cảm thấy thân nhau như những người quen biết từ lâu. Chị em nói với tôi là đài mới xây dựng được 3 năm, máy móc đều rất tốt. Tôi xem kỹ thì quả đúng như vậy. Các thiết bị đều còn mới, phòng bá âm khang trang, hệ thống làm lạnh rất hiện đại. Chúng tôi khẩn trương vào việc cùng với sự hăng hái, tình nguyện phục vụ của anh chị em trong đài cũ.
Bà Nguyễn Thị Anh Trang |
Để chuẩn bị cho buổi phát thanh đầu tiên, giọng nữ thì có tôi, còn giọng nam thì chúng tôi quyết định chọn anh Minh Luận của đài cũ, bởi anh có giọng đọc tốt. Tôi và anh Luận tập đọc nhiều lần để hai giọng thật ăn ý và không ai có thể phát hiện ra được giọng anh ở đài cũ. Anh Luận khá thông minh, nhạy bén, “nhập vai” rất tốt, giọng đọc nghe tưng bừng khí thế của người chiến thắng. Tôi chọn một đoạn trong bài hát “Giải phóng miền Nam” làm nhạc hiệu, viết lời xướng, lập chương trình phát thanh, trình anh Kim Tuấn duyệt. Chương trình có thời lượng 30 phút, gồm các nội dung: Nhạc hiệu, lời xướng, thông báo của Ban Quân quản thành phố, bài phóng sự “Thành Đà dậy sóng, chiến thắng lẫy lừng” của anh Kim Tuấn... và cuối cùng là phần tin tức. 8 giờ ngày 31-3, tôi và anh Luận vào phòng bá âm. Anh Kim Tuấn vào vị trí kiểm thính. Đèn tín hiệu thu bật sáng. Nhạc hiệu nổi lên. Khi đoạn nhạc vừa kết thúc, tôi đĩnh đạc đọc to: “Đây là Đài Phát thanh Đà Nẵng, tiếng nói của Ban Quân quản thành phố Đà Nẵng”. Anh Luận điệp lại lời xướng. Tôi dõng dạc đọc tin đầu tiên: “Mệnh lệnh số 1 của Ban Quân quản thành phố Đà Nẵng. Ban Quân quản thành phố Đà Nẵng ra mệnh lệnh xóa bỏ các cấp chính quyền ngụy, giải tán các đảng phái phản động, thành lập ủy ban cách mạng các phường. Ra lệnh giới nghiêm trong thành phố từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Ra lệnh các sĩ quan, binh lính và nhân viên ngụy quyền các cấp nộp ngay vũ khí và trình diện tại ủy ban cách mạng của phường”.
Anh Luận đọc bài phóng sự. Tôi đọc danh sách Ban Quân quản thành phố. Cứ thế, tôi và anh thay nhau đọc tiếp các tin chiến thắng ở chiến trường Khu 5. Chương trình thu đúng 30 phút. Anh Kim Tuấn mở băng nghe lại. Toàn thể anh chị em trong đài tự động tập trung trước phòng bá âm, lắng nghe chương trình trong niềm hân hoan khôn xiết. Khi tôi đọc xong câu cuối cùng: “Chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng đến đây là hết, thân ái chào đồng bào, đồng chí và các bạn”, mọi người ôm nhau mừng vui khôn xiết. Anh Kim Tuấn bắt tay tôi thật chặt. Tôi xúc động và vui sướng đến bật khóc. Đúng 11 giờ ngày 31-3-1975, chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng đã phát sóng với công suất 50kw và được phát lại lúc 18 giờ cùng ngày. Âm thanh rất trong và rõ. Tôi thở phào mãn nguyện và cảm thấy vinh dự vô cùng khi nghĩ đến đồng bào, đồng chí khắp nơi nô nức đón nghe chương trình phát thanh đầu tiên từ thành phố Đà Nẵng vừa sạch bóng quân thù. Nghĩ đến sự phấn khởi của cha mẹ, chồng con ở Hà Nội khi nghe tiếng của tôi trên làn sóng phát thanh, lòng tôi càng ngập tràn niềm vui sướng, tự hào…
42 năm trôi qua, nữ phóng viên Anh Trang trẻ trung, năng nổ ngày nào, bây giờ tóc đã bạc màu. Nhưng hễ có ai nhắc đến buổi phát thanh đầu tiên trên quê hương giải phóng là bà Trang hào hứng kể lại chẳng sót một chi tiết nào. Rạng ngời niềm tự hào, vị nhân chứng lịch sử tươi cười nói: Đối với bà, đó là một kỷ niệm sâu sắc, đầy ý nghĩa, là một niềm tự hào to lớn và không thể nào quên được!
Lê Văn Thơm