Buổi thuyết giảng nguy hiểm

Thứ hai, 06/04/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Mùa đông năm 2003, Aimen Dean – phần tử cực đoan trở thành điệp viên của Cơ quan Tình báo Anh (MI5) - tham dự buổi thuyết giảng của Anwar al-Awlaki - người được cho là nguồn cảm hứng cho những kẻ cực đoan Hồi giáo trên khắp thế giới. Trong số này, có 3 người đàn ông thực hiện vụ đánh bom tự sát ở London chỉ hơn 18 tháng sau đó.

Hệ tư tưởng thánh chiến, tử vì đạo

Trong căn hộ tại tòa nhà ở Black Country, thị trấn Dudley, khoảng 30 người đàn ông tụ tập nghe bài giảng của khách mời người Mỹ, người được biết đến là học giả thánh chiến đầy cảm hứng.

Những gì xảy ra đằng sau cánh cửa đóng kín này mở ra cái nhìn hiếm hoi về trận chiến giữa Hồi giáo cực đoan Anh và các điệp viên MI5. Đó là trận chiến gây đổ máu trên các đường phố của London vào mùa hè năm 2005. Cựu điệp viên MI5 Aimen Dean gần đây lần đầu tiên kể về công việc tại cơ quan tình báo Anh trong cuộc phỏng vấn độc quyền cho đài BBC. Ông giải thích, ông quay lưng lại với chủ nghĩa cực đoan sau vụ đánh bom của Al-Qaeda tại 2 đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi vào năm 1998. Trong 8 năm sau đó, ông làm việc cho MI5, với nhiệm vụ xâm nhập vào các nhóm cực đoan ở Anh. Ông nói rằng, công việc của mình là “hiểu Al-Qaeda và các phong trào thánh chiến khác có trụ sở tại Anh cũng như hoạt động tuyển dụng và gây quỹ của chúng”.

Vì vậy, mùa đông năm 2003, ông đến phòng họp ở Dudley để tham dự bài thuyết giảng của Anwar al-Awlaki - người bị giết chết trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ năm 2011 tại Yemen. Y là một trong những kẻ thuyết giảng hàng đầu của phong trào thánh chiến toàn cầu chống phương Tây. Các bài giảng trực tuyến của y kích động nhiều hành vi bạo lực. Dean nói rằng, ông được mời dự khóa thuyết giảng 8 ngày.

Tò mò muốn nghe những lời giảng, ông đồng ý đến đó. Dean cho biết ông bắt tay với tất cả mọi người ở đó, trong đó có 3 người đàn ông đến từ Leeds. Họ tự giới thiệu là Mohammad, Shehzad và Abu Abdullah. Sau này, Dean nhìn thấy khuôn mặt họ trên các trang báo sau vụ đánh bom ngày 7-7 khiến 52 người chết. 3 nghi phạm, Mohammad Sidique Khan, Shehzad Tanweer và Germaine Lindsay là thành viên của nhóm khủng bố 4 người thực hiện vụ tấn công.

Giống như tất cả những người đến buổi thuyết giảng, họ dường như bị Al-Awlaki thôi miên. Trong các buổi thuyết giảng, Al-Awlaki không khuyến khích người nghe tấn công các mục tiêu ở Anh nhưng ca ngợi công đức của thánh chiến và đời sống của các tay súng chiến đấu.

Theo ông Dean, cuốn sách hình thành cơ sở của một loạt bài giảng “là những gì mà nhiều chiến binh thánh chiến học về hệ tư tưởng thánh chiến và tử vì đạo”. Ông Dean cho biết, một số người nghe thậm chí còn rơi nước mắt. Ông Dean nhớ, Germaine Lindsay, người sau đó giết chết 26 hành khách trên chuyến tàu Piccadilly Line, ghi chép và hỏi Al-Awlaki về cách thức phụ nữ có thể hỗ trợ các cuộc thánh chiến. “Góa phụ trắng” Samantha Lewthwaite, vợ của Lindsay hiện đang trốn ở Đông Phi là một người ủng hộ nhóm chiến binh Al-Shabab.

Hiện trường vụ đánh bom ngày 7-7-2005 tại London. Ảnh: BBC

Sai lầm của MI5

MI5 cho rằng, tất cả những người trong phòng này đều có khả năng có thể trở thành những kẻ đánh bom tự sát, nhưng ông không cho rằng họ sẽ tấn công Anh. “Làm thế nào để bạn theo dõi 30-40 người tất cả thời gian được? Còn những người mà Al-Awlaki đã truyền cảm hứng thì vô số”.

Mùa đông năm 2003, MI5 quan tâm đến những gì các điệp viên nói về buổi thuyết giảng. Họ giám sát bên ngoài và chụp ảnh những người đến và đi khỏi tòa nhà. Tuy nhiên, họ để sót những người đàn ông đến từ Leeds. Và 3 người đàn ông từ Leeds không được các cơ quan an ninh lưu tâm, mặc dù Khan 2 lần nằm trong danh sách cần giám sát. Vài tuần sau buổi thuyết giảng, y và Tanweer cũng nằm trong kế hoạch giám sát chống khủng bố, song được đánh giá là không gây ra mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia tại Anh. Trong giai đoạn này, MI5 ưu tiên những phần tử đang gây ra các mối đe dọa hoặc được đánh giá là chủ động lên kế hoạch tấn công khủng bố.

Mặc dù Al-Awlaki hiện giờ đã chết, những tư tưởng thánh chiến bạo lực của y vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các nhóm cực đoan bạo lực như IS vẫn tiếp tục các hoạt động thánh chiến và vẫn tiếp tục gieo rắc và đầu óc những người trẻ tuổi trên khắp thế giới tư tưởng cực đoan.

An Bình

(Theo BBC)