Buôn làng Tây Nguyên chống đại dịch COVID-19 (Bài 1 - Cấp bách phòng, chống dịch)

Thứ bảy, 11/09/2021 08:00

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đang “càn quét” trên khắp các địa bàn của tỉnh Đắk Lắk, từ khu vực thành phố đến các vùng sâu, vùng xa, đã ghi nhận nhiều chùm ca bệnh số lượng lớn.

Đây cũng là lần đầu tiên đại dịch COVID-19 xâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Lắk với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực để sớm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, trả lại sự bình yên cho buôn làng.

Tỉnh Đắk Lắk có 184 xã, phường, thị trấn với 2.481 buôn, thôn, tổ dân phố, trong đó, có 608 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có trên 1,869 triệu người, với 49 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh. Trong hơn một tháng qua, nhiều buôn làng ở tỉnh Đắk Lắk bị đại dịch COVID-19 xâm nhập với các chùm ca bệnh số lượng lớn, bùng phát trong cộng đồng gây muôn vàn khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Trong bối cảnh ấy, cả hệ thống chính trị của tỉnh Đắk Lắk cấp bách triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, từng bước ổn định đời sống nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều chùm bệnh lây nhiễm phức tạp

Tính đến sáng 10-9, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 1.379 ca mắc COVID-19, trong đó có 452 trường hợp đã xuất viện và 11 ca tử vong. Tỷ lệ ca mắc là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 65%.

Huyện Krông Búk  là địa phương ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 nhất của tỉnh Đắk Lắk với hơn 260 ca, trong đó xã Cư Né hiện là ổ dịch lớn nhất của địa phương này. Từ chùm 13 ca bệnh được phát hiện vào ngày 21-8 tại buôn Đrao, đến nay xã Cư Né đã ghi nhận trên 200 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó chủ yếu tập trung tại buôn Đrao với trên 155 trường hợp. Đây cũng là chùm ca bệnh lây nhiễm phức tạp với số lượng lớn nhất mà tỉnh Đắk Lắk ghi nhận đến thời điểm này. Ông Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Búk cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, số ca bệnh tăng rất nhanh, người mắc bệnh đa số là đồng bào dân tộc tại chỗ. Một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh lây lan nhanh trong vùng xuất phát từ đời sống văn hóa mang tính cộng đồng cao của đồng bào, trong quá trình sinh sống luôn đoàn kết, giúp đỡ, thăm hỏi, giúp đỡ nhau làm kinh tế, lúc đau ốm. Theo ông Lê Nam Cao, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, chùm ca bệnh vừa ghi nhận tại thôn Tiến Thịnh, xã Quảng. Bên cạnh đó, hầu hết những trường hợp mắc COVID-19 đều không có triệu chứng của bệnh, nên việc khi phát hiện, các chùm ca bệnh có thể đã qua nhiều chu kỳ lây nhiễm dẫn đến số lượng người nhiễm bệnh tăng cao.

Tiến trình lây nhiễm phức tạp và nguy hiểm khi điều tra dịch tễ cho thấy các ca bệnh có thể xuất phát từ nhiều nguồn lây khác nhau khi nhiều trường hợp trong chùm ca bệnh không có sự liên quan dịch tễ với nhau. Tại nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk như xã Cư Pui, huyện Krông Bông, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột… cũng ghi nhận các chùm ca bệnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đều trở thành những ổ dịch với số lượng hàng chục ca bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh xâm nhập, bùng phát mạnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trong thời gian qua số lượng người lao động từ các tỉnh phía Nam về Đắk Lắk tránh dịch rất đông, tuy nhiên việc thực hiện cách ly tại nhà chưa tốt dẫn đến xuất hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, do đặc thù đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số có tính cộng đồng cao nên khi dịch bệnh bùng phát sẽ kéo theo số lượng ca mắc tăng nhanh, đặc biệt là tốc độ lây lan của các biến chủng mới của virus cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát mạnh trong cộng đồng.

 Cấp bách chống dịch

Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế  cho biết, trước sự tăng nhanh của số lượng ca bệnh và các chùm ca bệnh không rõ nguồn lây nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Y tế đang tập trung phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh vùng các ổ dịch, đẩy nhanh tốc độ điều tra, truy vết để nhanh chóng dập dịch.

Theo ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, về mặt dịch tễ và qua đánh giá nguy cơ ở các chuỗi lây nhiễm nhận thấy phải lấy mẫu xét nghiệm giám sát toàn bộ các buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Hiện Sở Y tế đã cấp hơn 100.000 bộ xét nghiệm nhanh và đang triển khai xét nghiệm cho tất cả người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh việc phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, kết quả xét nghiệm sẽ là cơ sở để xác định được “vùng đỏ, cam, vàng, xanh” để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, khoa học.

Trước sự bùng phát mạnh của dịch bệnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều địa phương đã vận dụng phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch để khống chế dịch bằng việc huy động hệ thống chính trị cơ sở triển khai đồng loạt các biện pháp chống dịch ngay sau khi ghi nhận những ca bệnh đầu tiên, từ đó tạo hiệu quả trong khoanh vùng sớm, dập dịch nhanh. Theo ông Phạm Ngọc Tiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, ngay chùm ca bệnh bùng phát đầu tiên tại Kwăng A vào giữa tháng 8 đã hết sức phức tạp khi chỉ trong thời gian ngắn phát hiện hàng chục người nhiễm bệnh không rõ nguồn lây.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn; thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng những hình thức linh động, phù hợp.

P.V (còn nữa)