Buôn làng Tây Nguyên ngày càng ấm no, giàu đẹp
Đến Tây Nguyên trong những ngày đầu tháng 9 lịch sử này, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh ngút ngàn của các cánh rừng cà- phê, hồ tiêu, cây ăn trái đang trĩu quả, hứa hẹn một mùa bội thu đem lại ấm no, giàu đẹp cho đồng bào các dân tộc ở các buôn xa, làng gần. Về thăm xã vùng sâu Cư Pơng, xã anh hùng của H. Krông Búk (Đắc Lắc), xe chạy bon bon trên con đường nhựa phẳng lỳ vào trung tâm xã, hai bên đường là những ngôi biệt thự, nhà xây kiên cố khang trang nằm ẩn mình sau những vườn cà-phê, hồ tiêu. Xe con, xe tải, xe máy chạy ngược xuôi, tấp nập. Đồng bào Cư Pơng hôm nay không còn lo đói "cái bụng" như cách đây chục năm mà hướng đến ăn ngon, mặc đẹp, xây nhà, sắm ô-tô đi lại. Anh Ama Hậu, dân tộc Êđê ở buôn A Drơng Điết cho biết, trước đây, gia đình nghèo lắm, cơm không đủ ăn, ăn rau rừng thay cơm là chuyện bình thường.
Người dân xã Cư Pơng giàu lên nhờ trồng cà-phê. |
Thế rồi, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông của huyện, của xã, anh Ama Hậu đã chuyển diện tích đất nương rẫy sang trồng cà-phê, hồ tiêu và từ đó ăn nên làm ra, mỗi năm gia đình thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng. Anh Ama Kim, buôn Ea Brơ thì cho rằng, đất đai ở đây màu mỡ nhưng đồng bào dân tộc Êđê trước đây canh tác lạc hậu, chỉ chọc lỗ tra hạt lúa, hạt ngô nên năm mưa thuận gió hòa thì có cái ăn, còn không thì đói. Nghe theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh cũng như đồng bào trong xã đã chuyển đổi đất rẫy sang trồng cà-phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Đồng bào Êđê ở xã Cư Pơng hôm nay không những thành thạo trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh cây cà-phê, hồ tiêu mà còn biết sử dụng vỏ trấu cà-phê để sản xuất chế biến phân bón vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng năng suất cây trồng. Hiện nay, phần lớn đồng bào dân tộc ở 18 thôn, buôn cả xã đều có cuộc sống khấm khá, trong đó có hơn 20% số hộ thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên từ cây cà-phê, hồ tiêu, cây ăn quả.
Không chỉ ở Cư Pơng mà 7.859 thôn, buôn, làng trong đó có 2.664 thôn, buôn người dân tộc thiểu số tại chỗ của Tây Nguyên cũng thay da, đổi thịt từng ngày, đời sống của đồng bào ngày một khá hơn. Thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm xây dựng phát triển địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Đến nay, nền kinh tế nhiều thành phần trên địa bàn Tây Nguyên đang hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với việc đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho đồng bào các dân tộc, Tây Nguyên đã hình thành các vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày trọng điểm của cả nước như cà-phê với gần 583.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 1,3 triệu tấn cà- phê nhân trở lên, cao su với diện tích 251.348 ha, hồ tiêu gần 80.000 ha...
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản phẩm (GRDP) trên địa bàn Tây Nguyên đã đạt 61.928 tỷ đồng, tăng 7,83% so với kế hoạch và cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ 5,84%. Cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển. Tây Nguyên tập trung đầu tư phát triển các loại cây con theo hướng thị trường, ở một số địa phương bước đầu phát triển theo chiều sâu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn vùng tăng gần 32% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 2 ngành có chỉ số tăng cao là công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 34.089 tỷ đồng, tăng 6,95% so cùng kỳ. Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên đã có 1 huyện (Đơn Dương, Lâm Đồng) và 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 284 xã đạt từ 10 đến 18 tiêu chí.
Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn Tây Nguyên đã có điện lưới quốc gia, có trường tiểu học, trung học cơ sở thu hút hầu hết các cháu trong độ tuổi đến trường. 100% số xã có đường ô-tô đi lại thuận tiện trong cả hai mùa mưa, nắng; gần 98% số xã có trạm y tế, trong đó khoảng 88,5% số trạm y tế có bác sĩ làm việc chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho đồng bào các dân tộc; phần lớn các thôn, buôn đều có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng...
Quang Huy