Cả làng buôn cá

Thứ ba, 05/11/2013 10:07

(Cadn.com.vn) - Đến làng Triều Thủy xã Phú An (Phú Vang), đầu mối cung cấp thủy, hải sản thiết yếu cho cả tỉnh TT-Huế, mới thấu hiểu vì sao có câu nói: cả làng buôn cá.

Hối hả mưu sinh      

Mới 4 giờ sáng, chợ cá trên cảng Thuận An đã tấp nập người mua bán thủy, hải sản. Tàu đánh cá cập bến, nhà máy đá làm việc hết công suất. Gió từ biển thổi vào lạnh buốt, nhưng lưng áo của chị Nguyễn Thị Hường đẫm mồ hôi. Chị Hường đang vận chuyển cá từ tàu thuyền lên bờ. Chị cho biết: “3 giờ đã có mặt tại cảng cá, mùa hè sớm hơn. Tôi bốc dỡ khoảng 5 tạ cá/ buổi, được trả công 150.000 đồng”.

Cảng cá Thuận An cách TP Huế 10 km, là chợ thủy, hải sản lớn nhất tỉnh TT-  Huế. Chợ họp từ 4 giờ - 7 giờ sáng thì tan. Thương lái về đây buôn thủy, hải sản phần lớn (hơn 90%) đều là phụ nữ ở xã Phú An (H. Phú Vang). Họ phải vượt qua đoạn đường hàng chục ki-lô-mét để có mặt ở chợ lúc 3-4 giờ sáng. Nhiều đoạn đường không có điện, có người sập ổ voi, ổ gà và bị ngã, xe máy cán phải đinh, thủng lốp, dắt bộ là chuyện thường...

Trời sáng dần, chợ cá càng nhộn nhịp. Tiếng người mua bán ngã giá, tiếng động cơ xe máy... át cả tiếng sóng vỗ bờ. Gió ban mai hòa quyện mùi cá tôm tanh tưởi và hương biển mặn. Đã 7 giờ, trên phá Tam Giang, chúng tôi vẫn thấy hàng chục chiếc thuyền thúng lắc lư, bơi về những con tàu đánh cá thả neo ngoài xa. Bất chấp hiểm nguy, các con thuyền ấy sẽ chở những mẻ cá cuối cùng về bến.

Một điểm trung chuyển hải sản lên TP Huế trên QL49.

“Ở chợ cá Thuận An, ngoài những lao động nữ làm bốc dỡ, 90% chị em buôn bán tôm cá (thủy, hải sản) đều là người làng Triều Thủy. Trong làng, nhiều gia đình đã 3 đời làm nghề buôn cá. Những người già làm nghề buôn bán cá tôm nay còn sống đều trên 80 tuổi. Thời bà nội tôi buôn cá, chỉ một đôi triêng gióng, chục cái rổ, dắt túi ít vốn... Bà đi bộ từ làng Triều Thủy đến chợ cá Thuận An hơn 6km. Mua tôm cá xong lên xe đò bán trên chợ Cầu Kho (thành nội Huế). Bà đi buôn cá lúc 15 tuổi đến hơn 60 tuổi mới nghỉ”, chị Hường kể.

Duyên nợ với nghề

Về làng Triều Thủy hỏi nhà bà Sinh “buôn cá” ai cũng biết. Bà Đoàn Thị Sinh, 62 tuổi, có “thâm niên” 45 năm trong nghề, cho biết: “Trong từng đó năm, tôi không nhớ mình đi bộ bao nhiêu cây số nữa. Từng ngõ ngách các chợ cá An Cựu, Đông Ba, Bến Ngự trên TP Huế tôi biết rõ như lòng bàn tay”. Bà vừa nghỉ bán mấy tháng nay, do mắc bệnh vôi hóa cột sống.

Bà bảo: “Nếu còn khỏe tôi không nghỉ đâu. Chạy chợ kiếm được đồng ra đồng vào, ngồi một chỗ buồn lắm!”. Bà Sinh đang trò chuyện thì cô Đoàn Thị Mai, cháu nội bà đi bán về. Mai nghỉ học nửa chừng lớp 10, theo bà nội học nghề buôn bán hải sản. Mai tâm sự: “Những ngày đầu, em rất ngượng với bạn bè. Bây giờ quen rồi, lại thấy vui...”. Theo Mai, hiện nay trong làng có vài chục người tuổi 20-30 buôn cá như cô. Họ được những người phụ nữ lớn tuổi hơn, có kinh nghiệm, hướng dẫn những “bí quyết” chọn cá, ướp cá, nói thách...

Bán xong cá, Mai trên đường về nhà.

Đông đến cả trăm người nên những người đi buôn cá cũng có phường, có bạn để giúp đỡ nhau. Họ đi bán theo nhóm, tranh mua, tranh bán, không ai nhường ai, nên người Huế gọi những phụ nữ đanh đá là...“dân bán cá”. Hiện nay, muốn hành nghề buôn cá ngoài số vốn ban đầu khoảng chục triệu đồng, phải sắm một chiếc xe máy. Để chở chục cái rổ rá cá tôm, họ đều mua xe cũ, phù hợp nhất là cub 81, cub 86, city, DD70... Chợ cá bao giờ cũng bẩn, nắng chang chang họ vẫn phải mặc áo quần bảo hộ, chân đi ủng.

Mai tâm sự: “Ngày ngày, 4 giờ sáng em chạy xe ra cảng Thuận An mua hàng. Đến hơn 6 giờ em chạy ngược lên chợ An Cựu bán. Một năm cũng xấp xỉ 300 chuyến. Năm nay em nghỉ sinh hết 4 tháng nên thu nhập kém hơn. Lương chồng em (giáo viên THCS) được 3 triệu, em nghỉ làm là con thiếu... sữa!”. Mai đưa tôi đến xem một điểm trung chuyển hải sản lên thành phố nằm trên QL49. Các bạn của Mai đều chưa đến 30 tuổi. Sau 30 phút mua đi bán lại, mỗi người lên xe đi mỗi chợ. Có người đi xa đến 50 km, bán ở chợ Nong, Truồi (Phú Lộc). Kể ra họ may mắn hơn các thế hệ mẹ và chị mình, ngày xưa đều đi bộ, gánh cá oằn vai năm này qua năm khác!

Đến giờ, UBND xã Phú An chưa thống kê, nhưng có lẽ số phụ nữ buôn bán thủy, hải sản ở Triều Thủy không dưới 100 người. Tiễn tôi ra về, bà Sinh cười, nói: “Ruộng đồng nhiễm chua phèn làm một vụ. Chằm nón bán ai mua! Đi buôn cá cả đời, như bà Đoàn Thị Sáng mà xây được nhà 3 tầng. Con cháu bà ấy bỏ mối hải sản cho khách sạn, nhà hàng đã sắm được ô- tô, tậu đất nhà tiền tỷ... Không đi buôn cá thì làm sao được như thế?”.

Vũ Hào