Cà phê trên những nẻo đường

Thứ bảy, 07/12/2019 13:36

Buổi sáng, tôi vẫn ngồi ở chiếc bàn đó, một mình. Lý do tôi ngồi một mình là mở chiếc laptop ra, giải quyết mọi công việc qua mail. Tôi chọn giờ khi mọi người vừa thức dậy sau một đêm để gởi mail, vì vào thời điểm đó họ có thể cũng đang ngồi ở một quán cà phê, buổi sáng trong veo và trong lòng đang vui vẻ.

Quán cà phê 1975.

Buổi sáng ngay tại quán cà phê đó, tôi nhìn thấy những người khách quen, họ vẫn ngồi đúng chỗ hôm qua hoặc hôm kia họ ngồi. Uống cà phê chỉ là một cái cớ để tận hưởng những giây phút thảnh thơi của một ngày. Uống cà phê là từ chung để vào một quán nước quen, để hẹn hò người quen, để nghe những bản nhạc rất quen theo sở thích của mình mà chỉ có quán đó mới có.

Buổi sáng tôi ngồi hai quán cà phê. Một là quán trước sân văn phòng Hội Văn học nghệ thuật. Bà chủ quen khách ngồi ghế nào, ly cà phê như thế nào, nhìn mặt mà đem ra. Bạn bè gặp nhau hàng ngày, chẳng ai trả tiền cà phê thay cho ai, mà tự tính tiền ly của mình. Quán thứ hai có tên Tuổi Ngọc, mặc dù khách vào quán toàn là người đã có tuổi. Ngồi đó nghe những bản tình ca, phần lớn là nhạc Trịnh, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên hoặc những bản nhạc hòa tấu cổ điển. Quán đổi bao nhiêu cô thu ngân, bao nhiêu nhân viên cũng đã thay thế... nhưng tôi vẫn ngồi như một thói quen, lắm lúc ly cà phê để tan đá vì mải mê lo việc. Ở đó có những người thích chọn chỗ ngồi hơn là chất lượng nước uống. Ở đó có người say mê nói chuyện, không chú ý đến âm lượng phát ngôn của mình, khiến cho người chung quanh phải nhăn mày khó chịu.

Trong những cuộc hành trình xuyên quốc lộ, chúng tôi đều dừng xe giữa đường để uống một ly cà phê. Quán cà phê như thế giờ đây cũng có mặt ở các tỉnh miền Bắc, có thể do nhu cầu dịch chuyển của du khách, mà khách phương Nam lại thích uống ly cà phê buổi sáng, còn khách phương Bắc lúc đầu buổi sáng pha ấm chè ngon (trà) rồi cũng quen vào quán... cho ly cà phê. Để rồi khi trong Nam gọi: Cho ly cà phê đen đá, thì miền Bắc gọi chữ đen là đủ, cà phê sữa đá gọi gọn: cho ly nâu.

Một quán cà phê sân vườn ở Nha Trang.

Cà phê Sài Gòn trở thành một cái tên riêng khi những góc phố những người bán cà phê và nước giải khát để hàng hóa trong những túi xách, giấu vào trong góc hẻm, góc trụ điện. Khách gọi cà phê thì ly cà phê pha loãng, sữa nhiều, đá bào bỏ đầy, sau này từ chung gọi là cà phê sữa Sài Gòn, phổ biến đến nỗi nhiều quán cà phê ở miền Nam ghi thêm trong menu của mình: Cà phê Sài Gòn. Còn các quán cà phê ngoài Bắc thì không có ly trà đá, mà chỉ có một ly nước lọc. Lý do giải thích là trà làm trà đá trong Nam là loại trà vối, pha cho có màu nên khách uống trà vô tư. Ngược lại, trà ở miền Bắc là trà đậm, trà ngon có giá vài trăm ngàn đồng/ ký nên bạn muốn uống trà phải kêu: "Bác cho cháu một ấm chè".

Tây Nguyên là thủ phủ của cây cà phê, và đoan chắc rằng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên pha ngon và uống vào thấm trên môi từng giọt. Ở Pleiku rất nhiều quán cà phê đẹp, ngon. Cà phê Thu Hà trên đường Nguyễn Thái Học chẳng hạn, Đến Tình Xanh, Xuân Sơn, thu Hiền, Rock... Cách pha cà phê với chiếc phin nén chặt, cà phê nhỏ xuống từng giọt như thấm đẫm nỗi nhớ. Buôn Ma Thuột cũng nhiều quán đẹp, cà phê Trung Nguyên mở nguyên một làng cà phê cho khách vừa uống cà phê vừa tham quan. Đà Lạt là miền đất của khách du lịch, quán cà phê là chỗ dừng chân nên rất nhiều quán cà phê trang trí đẹp, và cả chuỗi quán cà phê dọc theo con dốc đường Lê Đại Hành trở thành điểm đến của bao người.

Trong cuộc đời bạn, chắc chắn đã từng ghé nhiều quán cà phê, ở nhiều miền đất khác nhau. Những cuộc hành trình đi và đến đấy và những ly cà phê trong những điểm đến khác biệt, có khi chỉ một lần trong cuộc đời bạn đến đó, đã đủ cho niềm vui và những kỷ niệm đan xen khi nhớ về.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG