Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát:

Các bị cáo đã nộp được hơn 1.580 tỷ đồng, 8,6 triệu USD và 10,2 triệu cổ phần

Thứ năm, 14/03/2024 08:30
Sáng 13-3, các luật sư tiếp tục xét hỏi đối với một số bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị liên quan.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí đã nộp hơn 657,5 tỷ đồng và 3,3 triệu USD (tương đương 82,5 tỷ đồng).
Trong ngày xét xử 13-3, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày sẽ dùng 13 dự án nằm ngoài danh mục các tài sản bị kê biên trong vụ án để khắc phục hậu quả.

Trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục cam kết dùng toàn bộ tài sản của gia đình khắc phục hậu quả. Ngoài ra, bị cáo Lan đề nghị HĐXX tạo điều kiện để bị cáo ủy quyền số cổ phần của mình cũng như nói bạn bè có cổ phần tại SCB ủy quyền toàn bộ cổ phần của họ cho Ngân hàng Nhà nước để khắc phục thiệt hại cho SCB.

Cũng theo bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, trong quá trình điều tra đã có rất nhiều đơn đề nghị, văn bản xin cam kết tự nguyện khắc phục thiệt hại, và giữ nguyên các cam kết đó tại tòa. Bị cáo Lan đồng ý chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng do bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) khắc phục đến tài khoản của SCB để giải quyết hậu quả vụ án.

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan khai có 13 dự án nằm ngoài danh mục các tài sản bị kê biên trong vụ án và đồng ý dùng các tài sản này để khắc phục. Tuy nhiên, các dự án này có cả các nhà đầu tư nước ngoài, nên đề nghị tòa tạo điều kiện cho bị cáo đàm phán. Bị cáo Lan còn thông tin, con gái của bị cáo đã thỏa thuận bán tòa nhà ở Hà Nội để khắc phục hậu quả cho bị cáo trong vụ án.

Bị cáo Dương Tấn Trước đã nộp tổng cộng 2.252 tỷ đồng.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Bị cáo Bùi Anh Dũng đã khắc phục khoảng 30 tỷ đồng và tiếp tục khắc phục thêm.

Đến nay, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, gia đình các bị cáo: Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ, Trương Huệ Vân, Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nhị đã nộp gần 119 tỷ đồng và 306.000 USD… Đối với nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo cao cấp tại Ngân hàng SCB, bị cáo Phạm Thu Phong (cựu Trưởng ban kiểm soát Ngân hàng SCB) là đã nộp khắc phục 20 tỷ đồng. Trong ngày xét xử hôm 7-3, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) đã khắc phục được khoảng 30 tỷ đồng và xin tiếp tục khắc phục thêm.

Trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) đã trả cho Ngân hàng SCB 813 tỷ đồng đối với 2 khoản vay của Công ty Tường Việt và Công ty Việt Đức. Bị cáo Trước còn xin nộp lại toàn bộ số tiền 2.200 tỷ đồng đã nhận của bà Lan để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, vợ bị cáo Trước và Công ty CP đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn còn nộp khắc phục cho bị cáo Trước tổng cộng 52 tỷ đồng.

Nhóm bị cáo từng công tác tại cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cũng đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Trong đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục II Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) đã nộp 390.000 USD.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí đã nộp hơn 657,5 tỷ đồng và 3,3 triệu USD (tương đương 82,5 tỷ đồng).

Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Công ty Capella), người bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bị cáo Trương Mỹ Lan, đã nộp hơn 657,5 tỷ đồng và 3,3 triệu USD (tương đương khoảng hơn 82,5 tỷ đồng).

Như vậy, hiện các bị cáo đã nộp được hơn 1.580 tỷ đồng, 8,6 triệu USD và 10,2 triệu cổ phần Ngân hàng SCB để khắc phục hậu quả và tiếp tục xin khắc phục thêm.

T.H