Bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị được đàm phán với nhà đấu tư nước ngoài, liên hệ các cổ đông nhằm khắc phục hậu quả

Thứ tư, 13/03/2024 11:36
Sáng 13-3, các luật sư tiếp tục xét hỏi đối với một số bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị liên quan.

Trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục đề nghị tòa xem xét kỹ số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB, đồng thời cam kết dùng toàn bộ tài sản của gia đình khắc phục hậu quả. Ngoài ra, bị cáo Lan đề nghị HĐXX tạo điều kiện để bị cáo ủy quyền số cổ phần của mình cũng như nói bạn bè có cổ phần tại SCB ủy quyền toàn bộ cổ phần của họ cho Ngân hàng Nhà nước. Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày rằng, nếu được HĐXX hỗ trợ, bị cáo có thể liên hệ với các cổ đông nước ngoài này không hủy ngang cổ phần tại SCB, từ đó có thể đảm bảo một phần nào thu hồi, khắc phục thiệt hại cho SCB.

Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử ngày 13-3.

Theo cáo trạng, tính đến tháng 10-2022, Trương Mỹ Lan sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp. Trong số 27 pháp nhân này, có 5 pháp nhân là cổ đông nước ngoài là: Noble Capital Group Limited (9,4%); Glory Capital Investment Limited (4,6%); Galaxy Capital Investment Development Limited (4,6%); Day Glory Development Limited (4,6%); Dragon Fund Investment Limited (4,6%).

Trước đó, khi trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho mình về các khoản vay không đúng quy định pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng cho SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan khai chịu trách nhiệm về các thiệt hại của vụ án và sẽ "dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả". Bị cáo cho biết, trong quá trình điều tra đã có rất nhiều đơn đề nghị, văn bản xin cam kết tự nguyện khắc phục thiệt hại, và giữ nguyên các cam kết đó tại tòa. Bị cáo Lan đồng ý chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng do bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) khắc phục đến tài khoản của SCB để giải quyết hậu quả vụ án.

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan khai có 13 dự án nằm ngoài danh mục các tài sản bị kê biên trong vụ án và đồng ý dùng các tài sản này để khắc phục. Tuy nhiên, các dự án này có cả các nhà đầu tư nước ngoài, nên đề nghị tòa tạo điều kiện cho bị cáo đàm phán. Bị cáo Lan còn thông tin, con gái của bị cáo đã thỏa thuận bán tòa nhà ở Hà Nội để khắc phục hậu quả cho bị cáo trong vụ án.

Đối với 649 tài sản có nguồn gốc của bị cáo chưa được định giá tại SCB, Trương Mỹ Lan khẳng định sẵn sàng dùng tài sản của mình để giúp SCB; đồng thời đề nghị các tài sản của bị cáo phải được định giá đúng giá thị trường. Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, 649 tài sản chưa được định giá của bà Lan là tổng của 440 tài sản Công ty Hoàng Quân không định giá và 209 tài sản có giá trị định giá nhưng chưa đủ điều kiện pháp lý.

Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa.

Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu nên bị xét xử về 3 tội danh: “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Tham ô tài sản”. 85 bị cáo còn lại có 45 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 bị cáo là cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 bị cáo là cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị xét xử về các tội: “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. T.H