Các dòng sông đều... khát

Thứ tư, 13/04/2016 09:36

(Cadn.com.vn) - Có lẽ người dân xứ Quảng chưa bao giờ chứng kiến cảnh thiên tai hạn hán đến cạn kiệt ở mức kỷ lục như năm nay. Dân quanh vùng ai cũng biết đoạn bến đò Phú Thuận, xã Đại Thắng, H. Đại Lộc qua xã Duy Tân, H.Duy Xuyên, Quảng Nam trên sông Thu Bồn là khúc sông rất sâu, quanh năm đò ngang qua lại khá dễ dàng, song trong những ngày đầu tháng 4-2016, nhiều chỗ lắp xắp nổng cát. Các chủ đò ngang phải huy động nhân công nạo vét đáy sông tạo luồng lạch cho đủ độ sâu để đò dễ dàng đưa khách qua lại. Đứng trên chuyến đò chòng chành như mọi khi nhìn xuống tận đáy mặt nước xanh ngắt lóng lánh cát vàng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, bàn tán đủ điều về nguyên nhân khô hạn, họ đổ cho... trời một phần và do thủy điện tích trữ nước.

Hầu như dòng Thu Bồn dằng dặc, từ thượng lưu uốn lượn quanh co qua từng làng mạc, triền dâu, bãi bắp mềm mại như dải lụa để xuôi về biển hồi nào thì giờ đây nhiều đoạn đã lô nhô sạn cát, dòng chảy chỉ tập trung dồn về chỗ trũng, đôi bờ đã xích lại gần nhau, cây cối, hoa màu ở không ít vùng ven khô cháy. Đứng trên cầu Quảng Huế, chiếc cầu vắt ngang qua sông Vu Gia nối liền hai xã Đại Cường và Đại An tôi càng hết sức kinh ngạc, bởi hơn 40 năm nay, tôi có nhiều lần qua lại nơi đây bất kể trong những tháng ngày gió giông, lũ lụt hay nắng nóng khốc liệt nhưng chưa bao giờ lại thấy dòng Vu Gia lại "phơi bụng" đến thế. Có đoạn, chỉ cần xắn quần là lội qua được phía bên kia.

Được biết, để "giải khát" cho hạ lưu sông Vu Gia, ngay từ đầu tháng 4, Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 bắt đầu xả nước, song do các nhà máy thủy điện bậc thang ở cuối dòng sông Bung lại... chặn dòng để tích lũy nước, đợi cho đủ số lượng mới xả một lần? Riêng Nhà máy thủy điện A Vương do mực nước chứa trong hồ chỉ cao hơn mực nước tối thiểu quy định là 1,3m nên chỉ cho xả cầm chừng? Việc cạn kiệt nguồn nước trên các sông Thu Bồn, Vu Gia đến mức báo động này đã làm cho Nhà máy nước Cầu Đỏ tăng độ nhiễm mặn. Để đối phó với tình trạng này, đơn vị chức năng phải tập trung nhiều giải pháp cấp bách mang tính tình thế nhằm ngăn chặn, xử lý để không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân TP Đà Nẵng, song về cơ bản vẫn phải đợi chờ nguồn nước từ thượng lưu tràn về.

 

Tháng 4 năm ngoái, các đợt lụt trái mùa, phá quy luật tự nhiên ồ ạt tràn về nhấn chìm các bãi dưa,  ớt, bắp sắp đến ngày thu hoạch làm cho bao người nông dân quanh năm nhọc nhằn, lam lũ càng lâm vào cảnh điêu đứng, khốn khó. Ngược lại năm nay, cũng tại các luống dưa, rau đậu, hoa màu... ngay trên những bãi bồi ven các sông Thu Bồn, Vu Gia này lại đang lao đao, gào thét vì khát nước. Màu xanh tươi tốt ngút ngàn ở bao làng ven các bờ sông trong độ Giêng, Hai thì bây giờ là cảnh héo hon, tàn úa gay gắt của nắng hạn dai dẳng, người nông dân lại phải đối diện với bao khó khăn chồng chất. Hiện nay, nhiều địa phương đang huy động sức dân chống cơn đại hạn bằng nhiều biện pháp trong nỗi thấp thỏm, âu lo và phập phồng chờ đợi. Bao người nông dân đang đợi mưa, mong nước. Cũng như con người vậy, các dòng Thu Bồn, Vu Gia đang run rẩy, oằn mình, gồng lưng chờ thủy điện xả nước để làm vơi dịu bớt cơn khát chưa từng có này.

Thái Mỹ