Các hoạt động văn hóa hướng về Ngày Giải phóng Thủ đô tại phố cổ Hà Nội
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2024), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa đa dạng.
Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” tập hợp 70 bức ảnh màu và đen trắng chụp từ những năm 60 của thế kỷ trước của 18 nghệ sĩ, nhà báo đã được công chúng biết đến như: Trịnh Hải, Hoàng Kim Đáng, Trần Hồng, Hoàng Như Thính, Khắc Hường, Phạm Công Thắng, Trần Hải, Đăng Khoa... Người có số ảnh được trưng bày nhiều nhất (15 ảnh) là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trịnh Hải, hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, năm nay vừa tròn 92 tuổi. Triển lãm kéo dài đến ngày 29-10 tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm (tại vỉa hè phố Lê Thái Tổ đoạn đối diện đền Vua Lê).
Trưng bày “Ký ức Hà Nội 70 năm” tái hiện không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội giai đoạn toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội tới ngày tiếp quản Thủ đô (1947-1954) sẽ diễn ra tại không gian bích họa Phùng Hưng, phường Hàng Mã từ nay đến 13-10. Cũng tại không gian bích họa Phùng Hưng, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các họa sĩ, nhà nghiên cứu thực hiện trang trí, sắp đặt mô hình khu phố cổ xưa, các cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu và tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “Quận Hoàn Kiếm - Những hình ảnh lịch sử”, giới thiệu các ảnh tư liệu của quận Hoàn Kiếm trong quá trình từ cách mạng Tháng Tám 1945 tới ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954. Sự kiện có sự tham gia cố vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc.
Triển lãm ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ” của nhiếp ảnh gia Lê Bích và Andy Soloman (phóng viên người Anh) sẽ khai mạc vào 9h ngày 10-10 và kéo dài đến hết 31-10 tại biệt thự di sản 46 Hàng Bài (49 Trần Hưng Đạo). Triển lãm trưng bày 86 bức ảnh đen trắng của hai tác giả. Người xem sẽ thấy rõ sự biến đổi của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới, một thời để nhớ, để trân trọng. Trước thềm triển lãm, ông Andy Soloman chia sẻ: “Tôi đã yêu Hà Nội và người dân thành phố ngay từ khi đặt chân đến đây vào năm 1992.
Ở đâu tôi đi cũng được đón tiếp bằng sự tử tế và lòng mến khách tuyệt vời, và khi nhìn lại những bức ảnh của tôi từ thời đó, tôi thấy chúng là một ghi chép quan trọng về cuộc sống trong thành phố. Tôi hy vọng những người Hà Nội đến thăm triển lãm sẽ yêu thích chúng như tôi, và chúng sẽ gợi lên những kỷ niệm và cảm xúc mạnh mẽ. Tôi cũng rất muốn tìm thấy một số người trong những bức ảnh vì sẽ thật tuyệt vời nếu được gặp họ, nghe câu chuyện của họ và chụp ảnh họ một lần nữa”.
Với nhiếp ảnh gia Lê Bích, Hà Nội đã đổi thay rất nhiều nhưng anh không cho phép mình quên đi những vẻ đẹp xưa cũ, nét tinh hoa của Hà Nội. “Theo thời gian, tôi đã và đang thực hiện những bộ ảnh về vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội. Tôi mong rằng nó sẽ là một nốt nhạc trầm trong bài ca về Hà Nội, một chùm nắng chiều làm rạng lên vẻ cổ kính của những cánh cổng chùa bạc màu thời gian, một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ lúc vào thu... để chúng ta thêm yêu Hà Nội, thêm trân trọng những gì chúng ta đã có ngày hôm nay”, nhiếp ảnh gia Lê Bích nói.
Tại ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động song song: Trưng bày chủ đề “Chuyện phố Hàng” từ nay đến 31-12; tour du lịch thực cảnh với chủ đề “Chuyện phố Hàng” tái hiện đời sống sinh hoạt của một gia đình trung lưu người Hà Nội làm nghề thuốc Đông y, sự kiện diễn ra vào 19h30 ngày 9-10.
Từ nay đến 12-10, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm trưng bày 70 tác phẩm tinh hoa cây cảnh nghệ thuật của Câu lạc bộ Bonsai phố cổ Hà Nội và hướng dẫn kỹ thuật, kiến thức về thú chơi cây cảnh của người Hà Nội xưa và nay.
Triển lãm ảnh “Hà Nội - Ngày tiếp quản năm 1954” và chiếu phim tư liệu “Ký ức Hà Nội” sẽ diễn ra tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, 2 Lê Thái Tổ, từ ngày 9 đến 20-10.
Ngoài ra, chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc sẽ diễn ra từ 20h đến 21h30 ngày 19-10 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.