Các khu kinh tế cửa khẩu dọc miền Trung-Tây Nguyên: Mãi là… tiềm năng (3)

Thứ tư, 01/10/2014 09:15

(Cadn.com.vn) - Sau rất nhiều cuộc khảo sát của các cơ quan chức năng, đã có nhiều ý kiến về việc làm thế nào để các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhưng đến nay, mọi thứ vẫn mới chỉ dừng lại ở mức ý kiến, đề xuất chứ vẫn chưa có phương án nào cụ thể...

Trước những vướng mắc, tồn tại tại KKTTMĐB Lao Bảo, chính quyền tỉnh Quảng Trị và Ban quản lý (BQL) KKT đã khẩn trương đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng cho phép bán hàng miễn thuế là bia rượu cho du khách theo định mức quy định tại QĐ 72; áp dụng như trước đây đối với hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế nhập khẩu đối với thành phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa đó... cùng một số đề nghị khác nhằm tạo điều kiện cho DN. Hy vọng những vướng mắc tại KKTTMĐB Lao Bảo sớm được tháo gỡ, tạo động lực phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

Sự nhộn nhịp của KKTCK QT Bờ Y (Kon Tum) đã bắt đầu tạo nên những bước chuyển mình.

“Để KKTCK QT Cầu Treo phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, các chính sách về tài chính áp dụng cho các KKTCK cần phải ưu tiên cao hơn so với các KKT đồng bằng, ven biển. Đầu tư và mở rộng KKTCK trong giai đoạn hiện nay là rất khó. Nhưng không vì thế mà những tiềm năng và lợi thế của vùng đất từng được đánh thức rồi bỗng dưng bị chững lại, vấn đề này cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các Bộ, ngành” - ông Hoàng Thanh Tùng, Phó BQL KKTCK QT Cầu Treo nói.

Mới đây, chủ trì cuộc họp bàn tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho KKTCK QT Cầu Treo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và BQL KKT tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động KKTCK Cầu Treo để có sự phát triển ngang tầm với vị trí của một KKT trọng điểm của cả nước và phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh.

BQL KKTCK Cầu Treo phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với tỉnh ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển KKT; tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo sự thông thoáng trên tuyến Quốc lộ 8A; quan tâm kêu gọi thu hút đầu tư; huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm tại KKT.

Với KKTCK QT Lệ Thanh, ông Nguyễn Tấn Thành – PGĐ Sở Công Thương Gia Lai cho rằng: Để thu hút đầu tư, tỉnh cần tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp từ nguồn vốn đến việc giảm các khoản thu tiền về sử dụng đất, thậm chí có thể cho các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, sử dụng các phí ra vào cửa khẩu để tái đầu tư…

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa chính quyền địa phương, BQL để thủ tục cấp đất nhanh gọn, tránh lòng vòng. Đồng thời, hoàn thiện và xây dựng các công trình bức thiết hiện nay như hệ thống đường giao thông, bãi để xe… Ông Hà Thái Long - Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đề xuất: Tỉnh nên đề nghị Bộ GT-VT xem xét Hiệp định vận tải giữa Việt Nam-Campuchia để 2 nước thông thương, tăng lượng xe qua lại giữa 2 nước. Từ đó, sẽ thu hút được khách du lịch vì thực tế rất nhiều người Campuchia muốn sang Việt Nam. Hoạt động du lịch mạnh thì cửa khẩu sẽ nhộn nhịp, các nguồn thu từ dịch vụ du lịch như mua sắm, ăn ở, chi tiêu… cũng từ đó tăng lên.

Dù trong vài năm gần đây KKTCK QT Bờ Y đã có chút “da thịt” khi đã dần hình thành nên một điểm trung chuyển khá lớn từ nước bạn Lào đến các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam và ngược lại nhưng như đánh giá chung thì thực tế hoạt động của KKT này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, hàng hóa qua cửa khẩu còn thưa thớt, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 chỉ đạt 133 triệu USD...

Ông Võ Trọng Hảo – Trưởng BQL KKT tỉnh Kon Tum – cũng nêu một vài đề xuất để khuyến khích, thu hút, hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào KKT nhiều hơn nữa như: tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển KCN, KKT, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trên phạm vi cả nước. Sớm ban hành quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, bộ máy và quy chế hoạt động của BQL, có cơ chế giao quyền trực tiếp cho các BQL trong công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động trong KKT để BQL có cơ sở pháp lý thực thi nhiệm vụ.

Hàng năm có cơ chế tài chính ưu tiên phân bổ lại nguồn thu ngân sách phát sinh trên địa bàn KKTCK để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng KKT. Quan tâm ưu tiên phát triển các KKTCK đã được quy hoạch và tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng thiết yếu của KKT từ vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ nhằm phát huy tác dụng, hiệu quả của các công trình, tránh đầu tư kéo dài gây lãng phí và không hiệu quả.

Có cơ chế cho phép được nhập khẩu và làm thủ tục hải quan qua cửa khẩu quốc tế đất liền như đối với các cửa khẩu cảng biển... Cho phép địa phương ban hành một số cơ chế, chính sách hợp lý như miễn giảm thuế, thuê đất và các nghĩa vụ khác ngoài chính sách chung của Chính phủ nhằm tạo sự hấp dẫn thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, KKT.

Với thế mạnh và tiềm năng sẵn có, nếu được đầu tư tương xứng, các KKTCK có nhiều cơ hội phát triển, thúc đẩy giao thương buôn bán và dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, hình thành đô thị biên giới quy mô nhỏ và từng bước đóng góp vào phát triển KT-XH của đất nước.

B.T