Các khu kinh tế cửa khẩu dọc miền Trung - Tây Nguyên: Mãi là… tiềm năng (2)
* Bài 2: Ngậm ngùi nhìn về quá khứ
(Cadn.com.vn) - Với nhiều ưu đãi mời gọi, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt (KKTTMĐB) Lao Bảo được coi là cơ hội làm giàu cho những nhà đầu tư tài ba tìm đến đây và từng có một giai đoạn cực kỳ thịnh vượng.
Theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng tổng kim ngạch XNK biên giới của Quảng Trị năm 2012 chiếm khoảng 50% kim ngạch XNK biên giới của 10 tỉnh biên giới Việt – Lào. Thế nhưng, KKTTMĐB Lao Bảo hiện nay có thực sự còn nhiều “đặc biệt” trong mắt nhà đầu tư.
Cổng B Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo - chỉ tại khu kinh tế này mới có mô hình Cổng A và B. |
“Chốt” xe biển kiểm soát LB
Sau 15 năm thành lập, hiện KKTTMĐB Lao Bảo có hơn 400 DN đăng ký hoạt động, 57 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 34 dự án đã đi vào hoạt động. Ngoài ra có khoảng 2.600 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động.
Đến đây, điều đầu tiên, dễ dàng gây ấn tượng là hình ảnh nhiều ô-tô mang BKS LB (màu vàng), đây là phương tiện giao thông của tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư, kinh doanh có trụ sở đăng ký chính thức tại KKTTMĐB Lao Bảo (được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng và được đăng ký BKS). Các DN rất hào hứng với sự ưu đãi đặc biệt này. Tính đến nay, có hơn 170 ô-tô BKS LB của DN đang lưu thông, đáng tiếc rằng đây là con số được chốt từ cuối năm 2012 và là con số cuối cùng.
Xảy ra điều này bởi ngày 3-3-2010, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành QĐ số 16 về Sửa đổi, bãi bỏ một số quy định tại các Quy chế hoạt động của KKTCK, theo đó từ ngày 1-1-2013 xe mang BKS LB không được đăng ký mới. Sự thay đổi này là cú “sốc” cho một số DN vốn đã đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh ô-tô tại KKTTMĐB Lao Bảo, đồng thời cũng là sự hụt hẫng, lo lắng chung của Quảng Trị khi ngậm ngùi nghĩ đến DN mới không nhận được ưu đãi này. Một trong những nét đặc biệt hấp dẫn bị cắt đi đã ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn nhà đầu tư khi họ cho rằng người đến sau chịu thua thiệt, điều đó tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.
Mặc dầu vậy, trong năm 2012 và 2013, nhiều DN vẫn tìm đến với KKTTMĐB Lao Bảo bởi nhà đầu tư vẫn tin rằng đây là “thiên đường cơ hội”. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là chính tại nơi nhiều ưu đãi này, DN hiện đang loay hoay tìm lối ra khi cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi mà trong đó một số quy định nảy sinh vướng mắc, khó khăn cho họ.
Kiểm tra chống thẩm lậu hàng hóa vào nội địa Việt Nam. |
Chật vật trên ưu đãi
Ngày 26-11-2013, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với KKTCK. Tại quyết định này, đối với KKTTMĐB Lao Bảo có một số vướng mắc được tháo gỡ. Trong đó, nổi bật định mức mua hàng miễn thuế của khách du lịch được nâng lên 1 triệu đồng/1 người/1 ngày và không quy định tần suất và thời gian được hưởng ưu đãi thay vì chỉ 500 ngàn đồng/1 người như trước đây.
Tuy nhiên, mục c, khoản 5 điều 20 QĐ 72 quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan, UBND tỉnh có KKTCK quy định danh mục mặt hàng không bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan bao gồm hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa quản lý theo hạn ngạch thuế quan, trong đó có mặt hàng rượu, bia”.
Đây là “nút thắt” khiến một số DN “nghẹt thở” bởi nói đến KKTTMĐB Lao Bảo là nổi bật với hàng điện tử và các loại bia, rượu nhập khẩu hấp dẫn người tiêu dùng. Khi cấm bán rượu, bia cho khách du lịch, một số cơ sở kinh doanh của DN đã lâm vào tình thế khó khăn, thậm chí phá sản mà Siêu thị Thiên niên kỷ của Cty TNHH TM Thiên Niên Kỷ (TPHCM) sau gần 7 năm hoạt động là một ví dụ.
Trước Tết Giáp Ngọ 2014, siêu thị này đã đóng cửa. “Một số dự án đầu tư kinh doanh về thương mại của DN đến từ Thái Lan đã phải trì hoãn”, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng BQL Khu kinh tế, người có 15 năm gắn bó, đồng hành với DN tại KKTTMĐB Lao Bảo trăn trở cho biết thêm.
Quy định mới về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất tại KKTTMĐB Lao Bảo có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam tại QĐ 72/2013/QĐ-TTg cũng là thử thách lớn cho DN. Trước đây là thuế suất của nguyên liệu, linh kiện nay được thay đổi là mức thuế suất của mặt hàng nhập khẩu vào nội địa Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Bình thì hiện có nhiều DN sản xuất có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất hàng hóa, sau đó đưa một phần sản phẩm hàng hóa vào tiêu thụ tại nội địa Việt Nam, điển hình là 2 DN FDI (Thái Lan) là Cty TNHH Chaichareon Việt – Thái với mặt hàng nước tăng lực nổi tiếng Super Horse và Cty TNHH Cao su Camel Việt Nam với mặt hàng chính là săm sốp xe máy, xe đạp.
Trước đây, đối với sản xuất săm lốp xe máy, mức thuế suất nhập khẩu đối với nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu bình quân khoảng 3%, còn đối với sản xuất nước uống tăng lực, mức thuế suất tương tự trên là 0%. Nay với quy định mới, phải chịu mức thuế suất đối với hàng hóa là 35%. Từ đây, dẫn đến chi phí đầu vào lớn, giá thành cao, không cạnh tranh được với DN nội địa. Kế hoạch sản xuất đã và đang có nguy cơ bị phá vỡ.
Trước khó khăn mới này, nhiều DN sản xuất đang phải ngừng sản xuất các sản phẩm bán vào nội địa hoặc phải thông qua DN Việt Nam để nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện vào nội địa sau đó tiếp tục nhập khẩu vào KKTTMĐB Lao Bảo để sản xuất hoặc làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D để được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định AGITA (tuy vẫn phải chịu mức cao hơn bình quân 3% và 0%).
DN hoạt động nhiều năm ổn định đang chật vật như thế thì những nhà đầu tư mới ắt hẳn có sự đắn đo, e ngại khi không muốn phải chịu bất lợi. Có thể nói, đây là vướng mắc, bao trùm lo lắng đối với nhiều DN, cho chính cả địa phương và lãnh đạo BQL Khu kinh tế.
Bảo Hà
(còn nữa)