Cách bắt cá độc đáo của người Cơ Tu
(Cadn.com.vn) - Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ phía tây xứ Quảng nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu có nhiều sản phẩm của núi rừng như mây, tre, nứa, lồ ô và các loại dây leo khác... Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để đồng bào Cơ Tu phát triển nghề thủ công này nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như vận chuyển và săn bắn, hái lượm của mình. Từ xa xưa, người Cơ Tu với cuộc sống săn, bắt, hái, lượm từ thiên nhiên, nhưng ý thức của họ có đầy trách nhiệm với môi trường.
Lão nông Bríu Brây, dân tộc Cơ Tu ở thôn Bờ Hoong, xã Sông Kôn, H. Đông Giang, kể, vào tháng 6, 7, khi mùa vụ tạm xong, nước suối cạn, phụ nữ Cơ Tu rủ nhau đi bắt cá dưới sông, suối để cải thiện bữa ăn... Và ngư cụ để họ bắt cá là loại vợt được đan bằng nhiều loại vỏ cây trên rừng.
Nếu như cái áo được chế tác bằng vỏ cây tr'rang, t'coóng, t' dúir, amướt hoặc cây mít rừng, thì vỏ cây bhơnương thường được người Cơ Tu dệt thành quần áo, chiếu, chăn, lưới, vợt xúc cá (zờnứt).
Cây bhơnương mọc hoang dã hoặc được trồng trên nương rẫy, có thân nhỏ, dẻo, cao từ 1 - 1,5m, đường kính khoảng 0,5cm. Vỏ cây này có 2 lớp: Lớp ngoài cùng màu xám xanh, lớp thứ hai gồm những sợi nhỏ và được sử dụng lấy sợi. Phụ nữ Cơ Tu chặt cây bhơnương về, dùng dao bóc bỏ lớp vỏ ngoài, còn lại lớp vỏ lụa để lấy sợi. Sợi của cây bhơnương sau khi hong khô, những lúc nông nhàn, chị em thường dùng tay xe những sợi nhỏ lại với nhau để chúng thêm chắc và quấn thành bó đan dần.
Các lờ, đuộc bắt cá của người Cơ Tu! |
Người Cơ Tu vùng thấp (Cơ Tu Phương), thường dùng lá cây dứa để lấy sợi đan võng, lưới, làm dây câu cá... nhưng chủ yếu là đan vợt xúc cá. Trước đây, muốn bắt được nhiều cá, người Cơ Tu dùng cách đơn giản nhất là cắt lá ngải (gờ ni), dùng chân đạp nát, sau đó thả trên đầu nguồn (khe nhỏ). Cá bị cay mắt chạy lung tung, bây giờ người ta dùng vợt để vớt. Hoặc là gặp lúc suối cạn, cả làng rủ nhau đi bắt cá, mang theo vợt, giỏ... Họ sử dụng những cái vợt đan bằng vỏ cây để bắt, vớt cá rất hiệu quả; họ chỉ bắt những con cá to, còn cá nhỏ để lại góp phần không hủy diệt môi trường.
Đăng Bình