Cái bắt tay vụng về

Thứ ba, 11/11/2014 12:36

(Cadn.com.vn) - Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Nhật hôm 10-11 mở ra cơ hội phá băng quan hệ song phương lạnh giá, song xem ra vẫn chưa có nhiều dấu hiệu nồng ấm.

Sau nhiều nỗ lực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cuối cùng đã đối mặt trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên hôm 10-11, bước đột phá giúp chấm dứt bất đồng kéo dài 2 năm qua giữa 2 đối thủ Châu Á.

TỪ NGÔN NGỮ CƠ THỂ...

Cuộc gặp diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Cuộc họp kéo dài khoảng 25 phút, chứng tỏ nỗ lực tái thiết quan hệ ngoại giao và kinh tế vốn bị xói mòn bởi những căng thẳng quanh tranh chấp chủ quyền và những thù địch thời Nhật chiếm đóng Trung Quốc. Tuy nhiên, không ai cảm nhận được sức nóng lan tỏa do chính cái bắt tay đầy vụng về, không thoải mái giữa hai nhà lãnh đạo.

Theo Reuters, hình ảnh truyền hình cho thấy, Thủ tướng Abe ngồi chờ Chủ tịch Tập, nghi thức ngoại giao khác thường bởi các nhà lãnh đạo nước chủ nhà thường phải chờ đợi khách. Chủ tịch Trung Quốc thậm chí không cười và tỏ ra rất khiên cưỡng khi bắt tay Thủ tướng Nhật và cũng không nói gì khi đó. Nhiều nhà phân tích phản ứng khác nhau trước những hình ảnh ông Tập tìm cách tránh đối mặt ông Abe, trái ngược với hình ảnh mỉm cười rạng rỡ khi ông chào đón các nhà lãnh đạo khác trong khu vực tại hội nghị. Tuy nhiên, một phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản nói rằng, bầu không khí cuộc họp rất “chân thành” và Chủ tịch Tập chào đón Thủ tướng Abe “rất lịch lãm”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 10-11. Ảnh: Reuters

... ĐẾN TUYÊN BỐ SONG PHƯƠNG

“Tôi tin, đây là bước tiến đầu tiên cho cả Nhật-Trung trong tiến trình khôi phục và tập trung mối quan hệ chiến lược và cùng có lợi”, Thủ tướng Abe nói với các phóng viên sau cuộc họp.

Ông Abe còn cho biết, cả hai đều nhất trí khởi động các công tác chuẩn bị cho việc thiết lập cơ chế giải quyết khủng hoảng trên biển. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Abe đề nghị Chủ tịch Tập thiết lập đường dây nóng nhằm ngăn chặn xung đột trên biển sau những va chạm thường xuyên giữa tàu bán quân sự hai nước ở vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp. Tuyên bố của ông Tập dường như bảo thủ hơn. Ông Tập nói với ông Abe rằng, vấn đề lịch sử liên quan đến cảm xúc của hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc và thúc giục nhà lãnh đạo quốc gia láng giềng “tiếp tục con đường phát triển hòa bình và thông qua chính sách bảo mật quân sự thận trọng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Tokyo-Bắc Kinh trải qua nhiều cay đắng trong 2 năm qua quanh tranh chấp đảo, cạnh tranh khu vực và di sản để lại thời Nhật chiếm đóng. Đầu tư trực tiếp của Nhật vào Trung Quốc giảm hơn 40% trong 9 tháng qua. Cuộc họp lần này là tín hiệu cho thấy, hai cường quốc Châu Á sẵn sàng tạm gác lại vấn đề tranh chấp để cùng phát triển. Các chuyên gia cho rằng, việc cải thiện quan hệ song phương sẽ tránh làm tổn hại đến quan hệ kinh tế cũng như làm gia tăng nguy cơ đụng độ quân sự không mong đợi, vốn có thể kéo Mỹ vào cuộc.

Gerry Curtis, giáo sư Đại học Columbia cho biết, rõ ràng ông Tập đang chứng tỏ thái độ cứng rắn trong lời chào ông Abe. Nhưng theo giáo sư Curtis, hãy bỏ qua ngôn ngữ cơ thể sẽ thấy rằng, cuộc họp là “bước phát triển quan trọng và tích cực” nhằm sửa chữa quan hệ Nhật-Trung. Tuy nhiên, xây dựng lại niềm tin sẽ không dễ dàng. Bắc Kinh tìm cách đảm bảo, ông Abe không lặp lại chuyến thăm đền chiến tranh Yasukuni gây tranh cãi ở Tokyo như hồi tháng 12-2013.

Tuy nhiên, lời hứa như vậy sẽ rất khó đối với ông Abe.  Trên thực tế, nhà lãnh đạo Nhật hồi cuối tuần trước tuyên bố, thỏa thuận giữa hai nước không bao gồm các vấn đề cụ thể như thăm đền thờ Yasukuni.

Khả Anh

Mỹ đặt nhiều hy vọng cho TPP

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10-11 hối thúc các nhà lãnh đạo nỗ lực phá vỡ thế bế tắc tiến đến việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Reuters, phát biểu khai mạc các cuộc đàm phán bên lề APEC tại Bắc Kinh, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Châu Á kéo dài 8 ngày, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố: “Có nhiều tiến triển để đi đến thỏa thuận lịch sử”. Nhà Trắng đang quyết tâm theo đuổi TPP, đặc biệt là khi Trung Quốc đang thúc đẩy thỏa thuận tự do hóa thương mại riêng biệt được gọi là Khu vực mậu dịch tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

T.L