Cái kết nào cho "chuyện ở Hòa Xuân"...?! (Kỳ 2: "Điểm nghẽn" ở Cồn Dầu)

Thứ hai, 22/10/2018 14:23

Tiếc rằng, trong đa số người dân Cồn Dầu, rộng hơn là Hòa Xuân, điển hình như anh Kim, chị Hương, ông Danh... đã thấy được lợi ích của bản thân và gia đình, lớn hơn là lợi ích chung, tích cực thực hiện chủ trương đúng đắn của thành phố, thì tại Cồn Dầu, dai dẳng hơn 10 năm nay, có một số ít hộ dân vẫn chưa thấy, nói đúng hơn là cố tình không thấy những mặt tích cực ấy. Họ bất chấp lí lẽ, bất chấp thiện chí, thậm chí có lúc "nhượng bộ" của các cấp chính quyền để gây trở ngại trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của thành phố về di dời, giải tỏa, tái định cư...

Là một trong 4 người đầu tiên thực hiện chính sách hoán đổi của thành phố vào tháng 5-2017, hộ ông Trần Quang Anh ngay sau đó đã xây dựng ngôi nhà được xem là "lớn nhất vùng", ngay cạnh nhà thờ. 

Cố tình đi ngược lợi ích chung

Thực tình mà nói, trong tổng số khoảng 130 ngàn hộ dân phải di dời, giải tỏa để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển Đà Nẵng thời gian qua, không phải 100% đều đồng thuận. Cũng dễ hiểu thôi, mỗi người đều có hoàn cảnh, cái lý của riêng mình. Thế nhưng tựu trung lại, con số trên 98% tổng số hộ đồng ý thực hiện chủ trương là con số đáng mơ ước của nhiều địa phương. Có nhiều cách lý giải cho sự đồng thuận, cũng có nhiều cách phân tích để thấy rõ điều ngược lại. Cụ thể ở Cồn Dầu...

Theo Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ Lê Văn Sơn, từ khi thành lập đến nay, trên địa bàn quận thực hiện hơn 70 dự án lớn, nhỏ với diện tích quy hoạch 1,8 ngàn ha và hơn 12 ngàn hộ dân di dời giải tỏa, đền bù tái định cư (TĐC). Trong đó địa bàn P. Hòa Xuân có 11 dự án với tổng quy hoạch 1,1 ngàn ha và gần 5,2 ngàn hộ dân, 1 nhà thờ Thiên Chúa giáo Cồn Dầu, 2 chùa Phật giáo Trung Lương và Hòa Xuân, 7 đình làng, 87 nhà thờ tộc họ chi phái, gần 17 ngàn ngôi mộ với 5 nghĩa địa nhân dân và 1 nghĩa địa tôn giáo, 1 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 400 ngôi mộ. Riêng dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, được UBND thành phố phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết với quy mô hơn 437 ha. Ngày 5-5-2008, UBND thành phố ban hành quyết định số 3581 về việc thu hồi, giao đất cho Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng (nay là Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố) quản lý để thực hiện theo quy hoạch của UBND thành phố; đồng thời, UBND thành phố phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và TĐC đối với các hộ dân nằm trong khu vực dự án. Theo đó, tất cả các hộ giải tỏa thuộc diện thu hồi đất đều được bố trí TĐC tại khu E và F khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

"Qua quá trình thực hiện, đến nay đã có 6.486 hồ sơ bàn giao mặt bằng, đạt 97,6%, riêng khu vực Cồn Dầu có 2.043 hồ sơ, đã bàn giao mặt bằng 1.885 hồ sơ (đạt 92,2%). Hầu hết số hộ bàn giao mặt bằng khu vực Cồn Dầu đã làm nhà ở ổn định, khang trang (được bố trí TĐC tại khu dân cư E1 và E mở rộng). Đây là 2 khu TĐC có điều kiện vị trí thuận lợi và hạ tầng kỹ thuật tốt hơn các khu TĐC còn lại trên địa bàn P. Hòa Xuân", ông Sơn cho biết. Cũng theo ông Sơn, hiện nay còn 154 hồ sơ chưa bàn giao, trong đó nhà ở 105 hồ sơ, đất nông nghiệp 49 hồ sơ (có 87 ngôi nhà chưa bàn giao mặt bằng, tương ứng với 75 hộ dân và 12 hộ còn chung thửa. Đặc biệt, có 12 hồ sơ đất ở, có nhà, chống đối quyết liệt, không hợp tác mà đi khiếu nại nhiều lần...

Trước vấn đề trên, thời gian qua, lãnh đạo thành phố và Q. Cẩm Lệ nhiều lần trực tiếp đối thoại, giải thích nhưng họ vẫn không hợp tác và thiếu thiện chí, cố tình không chấp hành bàn giao mặt bằng. Ngược lại, còn nhiều lần tập trung khiếu kiện đông người, vượt cấp đến các cơ quan Trung ương tại Hà Nội. Và mặc dù ở mỗi cấp đều có sự giải thích, trả lời thỏa đáng (căn cứ, chiếu theo quy định của pháp luật), nhưng số ít hộ dân này vẫn cố tình không hiểu, không chấp nhận khiến cho câu chuyện "đồng thuận của Đà Nẵng" chưa thật sự trọn vẹn trong nhiều năm qua.

Mặc dù cấp cao nhất (Thủ tướng Chính phủ - PV) đã có ý kiến cuối cùng là không chấp nhận các nội dung khiếu nại của số ít hộ dân Cồn Dầu nhưng họ vẫn liên tục khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Nói lại cho rõ

Trong rất nhiều bài viết về Hòa Xuân trước đây, chúng tôi cũng đã từng đề cập đến 3 nội dung mà số ít các hộ dân Cồn Dầu kiến nghị đến cơ quan chức năng các cấp, đó là việc thu hồi đất, giao đất; cưỡng chế thu hồi đất và việc bố trí TĐC tại chỗ. Dù không muốn, nhưng thêm một lần nữa chúng tôi cần nhắc lại, để thấy rằng, các cấp chính quyền thành phố đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, thậm chí đôi lúc có sự "vượt rào", tất cả cũng vì quyền lợi của người dân. Liên quan đến kiến nghị việc thu hồi đất của các hộ dân, ngày 20-11-2014, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã có báo cáo số 5141 về kết quả thẩm tra, xác minh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, việc thực hiện dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, việc thu hồi đất là đúng quy định tại khoản 2, Điều 34 Nghị định 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ. UBND thành phố thu hồi đất giao cho Công ty quản lý và khai thác đất là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 42 Luật đất đai 2003... Việc xây dựng khu TĐC tại khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (khu E, F) của UBND thành phố là phù hợp quy định tại Điều 35 Nghị định 197 của Chính phủ. Việc các hộ yêu cầu bố trí TĐC tại chỗ theo khoản 3 Điều 34 Nghị định 197 là không có cơ sở, vì không có khu TĐC tại Dự án. Việc UBND Q. Cẩm Lệ tổ chức cưỡng chế đối với người bị thu hồi đất không chấp hành bàn giao đất là đúng pháp luật...

Trên cơ sở kết quả thẩm tra, xác minh, Bộ TN-MT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó khẳng định: "Thống nhất với nội dung giải quyết của UBND thành phố đối với khiếu nại của các hộ liên quan đến thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án và yêu cầu bố trí TĐC tại chỗ". Kiến nghị này sau đó đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) đồng ý tại Công văn số 2618 ngày 16-4-2015. Như vậy, nội dung khiếu nại của các hộ dân đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến không chấp nhận. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho hộ giải tỏa được ở gần khu vực nhà thờ Cồn Dầu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố và các ngành tại Đà Nẵng ngày 27-8-2016 đã chỉ đạo rà soát lại việc bồi thường, hỗ trợ và TĐC, đồng thời thực hiện hoán đổi mỗi hộ 1 lô đất tại khu TĐC thành phố đã bố trí (khu E và E mở rộng) về khu vực gần nhà thờ Cồn Dầu (Thông báo số 288 ngày 12-9-2016 của Văn phòng Chính phủ).

Thực hiện chủ trương này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã 2 lần chủ trì tiếp các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng và các hộ diện cưỡng chế trước đây chưa làm thủ tục nhận đất tại trụ sở Quận ủy Cẩm Lệ và trụ sở UBND P. Hòa Xuân. Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố đã trả lời, làm rõ ý kiến của các hộ dân và kết quả giải quyết của các cấp chính quyền. Ngoài ra, thừa ủy quyền Chủ tịch UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã một lần đối thoại chung và sau đó mời 9 lượt đối thoại từng hộ để giải quyết từng trường hợp cụ thể (tổng số hộ được mời là 84, có 45 hộ tham dự). Gần đây nhất, ngày 29-1-2018, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố đồng chủ trì tiếp, đối thoại với các hộ dân một lần nữa; chưa kể các cuộc tiếp xúc đối thoại riêng...

Qua các buổi đối thoại, UBND thành phố đã quyết định xem xét chuyển đổi vị trí đất, nâng mặt cắt đường, bố trí thêm đất tái định cư và căn hộ chung cư, hỗ trợ khó khăn với tổng số tiền 1,38 tỷ đồng cùng nhiều "ưu đãi" khác, vượt trội hơn. UBND Q. Cẩm Lệ đã phối hợp với Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất mời các hộ dân lên để thông báo kết quả hỗ trợ nêu trên và lập thủ tục giải quyết nhưng chỉ có 12 hộ đồng ý thực hiện chủ trương hoán đổi đất và bàn giao mặt bằng, các hộ còn lại không phối hợp thực hiện. Xét thấy rằng, trong thời gian qua, việc giải quyết "điểm nghẽn" ở Cồn Dầu, về phía chính quyền thành phố đã thể hiện rất nhiều thiện chí, thế nhưng không hiểu sao số ít hộ dân Cồn Dầu vẫn khăng khăng giữ quan điểm của mình. Thử tìm câu trả lời, rằng nếu trước đây, khi dự án đang ở giai đoạn manh nha, trên giấy tờ mà họ phản đối vì sợ cuộc sống mới ở khu tái định cư khó khăn, công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh thì là điều dễ hiểu và có thể chấp nhận được. Nhưng đến nay, mọi sự đã khác. Nếu cần minh chứng thì không gì sinh động hơn bằng đời sống của người dân ở khu TĐC mới.

Phóng sự: Doãn Hùng - Đinh Nga

  Kỳ cuối: Khi đối thoại không còn là phương án khả dĩ?