Cái nhìn khác!
(Cadn.com.vn) - Khi cảnh sát Thái Lan vẫn đang nỗ lực để tìm kiếm nghi phạm chính gây ra vụ đánh bom đẫm máu ở đền Erawan, Bangkok, đã có nhiều suy đoán về những kẻ đứng sau thảm họa kinh hoàng này.
Tất nhiên, không ai có thể lường trước được vụ đánh bom ở đền Erawan vào ngày 17-8. Mặc dù ngôi đền này từng là mục tiêu tấn công của một người đàn ông Hồi giáo bị bệnh tâm thần hồi năm 2006, nơi đây vẫn luôn thu hút các du khách đến từ các nơi, đặc biệt là từ Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia hay đảo Đài Loan.
Lướt qua các blog và các trang mạng nổi tiếng của Thái Lan, có thể thấy đa số đều cho rằng, bi kịch này đã bị chính trị hóa. Đối với một quốc gia trải qua bất ổn chính trị trong nhiều năm, đây là điều cũng không có gì bất ngờ. Những người thuộc phe Áo vàng - vốn ủng hộ quân đội và bảo hoàng - đổ trách nhiệm gây ra vụ đánh bom cho phe Áo đỏ - những người ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Nhưng giới phân tích cho rằng, vấn đề đặt ra là trong khi người ta có quá nhiều lý do để nghi ngờ phe Áo đỏ thì tại sao lại không “có lý do gì” để nghi ngờ quân nổi dậy Hồi giáo-Malay từ các tỉnh miền nam Thái Lan, hay các chiến binh Duy Ngô Nhĩ - nhóm vừa bị chính phủ Thái Lan trục xuất 109 người trở lại Trung Quốc trong tháng 7. Trong khi cảnh sát Thái Lan đang xem xét nghiêm túc vai trò của người Duy Ngô Nhĩ trong vụ đánh bom này, một số cư dân mạng Trung Quốc và Thái Lan cho rằng, các chiến binh Duy Ngô Nhĩ chính là thủ phạm.
Dẫn chứng nhân dạng nghi phạm trong cảnh quay camera giám sát, cư dân mạng Thái Lan khẳng định, không bao giờ một tín đồ Phật giáo Thái Lan lại tấn công đền thờ tôn kính này. Nhiều người khác lưu ý về việc đền Erawan là nơi đặc biệt được du khách Trung Quốc yêu thích, ám chỉ, khách du lịch Trung Quốc là mục tiêu chính. Các quan chức Thái Lan cũng tiết lộ “thông tin tình báo” về một cuộc tấn công nhằm vào du khách Trung Quốc ở Bangkok “sau 11-8”. 2 tuần trước khi xảy ra vụ đánh bom, đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok yêu cầu tăng sự hiện diện của cảnh sát xung quanh đại sứ quán do lo ngại bị tấn công.
Thực tế, Trung Quốc từng bị tàn phá bởi loạt các vụ tấn công vào năm 2014, trong đó Bắc Kinh đổ lỗi cho nhóm Duy Ngô Nhĩ cực đoan có liên kết với Phong trào Hồi giáo Đông Thổ. Hồi tháng 7, một nhóm người Duy Ngô Nhĩ, vốn bị Indonesia bắt hồi cuối năm ngoái vì âm mưu tấn công khủng bố ở nước này, đã bị kết án 6 năm tù giam.
Mặc dù vậy, việc đổ tội cho người Duy Ngô Nhĩ trong lúc này là quá sớm và không mang lại hữu ích gì cho công cuộc điều tra. Khi chính quyền Thái Lan đấu tranh để tìm nghi phạm, đó cũng là thời điểm nên tránh trò chơi đổ lỗi bằng mọi giá. Bởi những suy đoán như thế này chỉ càng làm bùng lên nhiều lo ngại rằng, vụ việc cuối cùng sẽ mãi mãi là một bí ẩn như trường hợp đánh bom London năm 2005.
Thanh Văn