Cải tạo đồng ruộng tại Quảng Nam: Nhiều hệ quả xấu

Thứ sáu, 21/09/2018 09:15

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Nam thực hiện mục tiêu cải tạo hơn 1.000 ha đồng ruộng và dồn điền, đổi thửa hơn 10.000 ha đất khác nhằm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Trong đó, TX Điện Bàn (Quảng Nam) thực hiện mục tiêu cải tạo 200 ha đồng ruộng, dồn điền đổi thửa 1.634 ha; xây dựng cánh đồng lớn 860 ha; 25 cụm chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra những bất cập, như: xe tải chở đất sét dư thừa sau cải tạo ngang nhiên đi lại trên đường làng, gây ô nhiễm, hư hỏng đường sá; đơn vị thi công chỉ lo "tận thu" đất sét để bán, quên đi mục tiêu chính là cải tạo, dồn điền, đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng để thuận lợi trong việc tưới tiêu, cơ giới hóa nông nghiệp, khiến nhiều thửa ruộng trở nên khô cằn, không bằng phẳng sau khi cải tạo. Thậm chí, nhiều thửa ruộng còn bị đào sâu, tận thu đất sét...

Những bãi đất sét tận thu từ dự án CTĐR tại Điện Nam Bắc và Điện Thắng Bắc chờ vận chuyển đi bán cho các lò gạch tuynel tại Đà Nẵng.

Trước thực tế này, ngày 18-5-2016, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Chỉ thị số 17, yêu cầu chấm dứt việc ủy quyền cho UBND các địa phương thực hiện việc giám sát, thẩm định đối với một số doanh nghiệp thực hiện công việc cải tạo đồng ruộng (CTĐR), các phương án CTĐR có tận thu khoáng sản đều thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh phê duyệt. Sở NN&PTNT là cơ quan có trách nhiệm trong thẩm định phê duyệt các phương án CTĐR, Sở TN&MT là cơ quan phối hợp và đánh giá báo cáo tác động môi trường. Chính quyền địa phương phải giám sát quá trình doanh nghiệp thực hiện các phương án đã được duyệt. Tuy nhiên, "căn bệnh tận thu" đất sét bán cho các lò gạch vẫn không... thuyên giảm.

Theo tìm hiểu, dù được giao nhiệm vụ giám sát quá trình doanh nghiệp thực hiện CTĐR nhưng chính quyền một số địa phương vẫn "thờ ơ" với nhiệm vụ này, thậm chí có nơi lãnh đạo chính quyền còn tham gia "góp" phương tiện vào doanh nghiệp để vận chuyển đất. Theo ông L.V.C, trú Phong Hồ, P. Điện Nam Bắc: Từ bao đời nay, cánh đồng Phong Hồ khá bằng phẳng, ruộng cho năng suất cao. Bỗng dưng, tháng 6-2018, chính quyền công bố dự án CTĐR. Khi thực hiện, doanh nghiệp đã lấy đi hàng ngàn mét khối đất sét. Lượng đất này được tập kết về bãi trống cạnh cây xăng dọc QL1A (địa bàn P. Điện An) chờ đêm xuống vận chuyển bán cho các lò gạch ngoài địa bàn với giá hơn 100.000 đồng/m3 và chỉ riêng dự án này doanh nghiệp bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Tương tự, khi thực hiện dự án CTĐR tại xã Điện Thắng Bắc doanh nghiệp cũng lấy hàng trăm ngàn mét khối đất trung chuyển về bãi tập kết cạnh nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Ngoài ra, trong thời gian qua tại TX Điện Bàn có nhiều địa phương, như Điện Thọ, Điện Tiến, Điện Hòa... thực hiện dự án CTĐR và tận thu khoáng sản.

Mặc dù những dự án CTĐR để lại nhiều hệ lụy về môi trường, giảm chất lượng đồng ruộng, khiến người dân bất bình và Nhà nước mất đi một khoản thu lớn đối với lượng khoáng sản tận thu... nhưng khi trả lời câu hỏi của P.V, lãnh đạo các địa phương đều trả lời: Không có điều đó xảy ra. Ngoài TX Điện Bàn, ở nhiều địa phương khác tại Quảng Nam, như Đại Lộc, Duy Xuyên... cũng xảy ra tình trạng tận thu đất sét bán cho các lò gạch... tạo ra dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, việc tận thu đất sét bán cho các lò gạch cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Theo đó, chủ trương sản xuất gạch không nung thay thế dần cho gạch tuynel đã được nhiều tổ chức, doanh nghiệp đón nhận và mạnh dạn đầu tư công nghệ, sản xuất. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp khó khăn khi bị gạch đất sét nung cạnh tranh gay gắt, thậm chí có doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng có gần 20 nhà máy gạch không nung, với công suất hàng tỷ viên mỗi năm cùng những tính năng vượt trội khác so với gạch tuynel nhưng rất khó tiếp cận thị trường do thói quen của người tiêu dùng và giá cả. Do đó, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc tạm đóng cửa chờ... cơ hội. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng, việc sản xuất và sử dụng gạch không nung đã được triển khai trong thời gian qua. Sở đã ban hành nhiều công văn gửi đến các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, tư vấn giám sát, các nhà thầu xây dựng trên địa bàn để triển khai việc sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng nhưng vẫn khó thực hiện vì thói quen người tiêu dùng và các nhà máy gạch tuynel vẫn được phép tồn tại, sản xuất...

Để những dự án CTĐR đạt hiệu quả như luận chứng kinh tế-kỹ thuật đề ra, chính quyền các cấp cần có những biện pháp tích cực, như: lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện, tổ chức giám sát kỹ lưỡng quá trình thực hiện... nhằm tránh những hệ quả xấu như đã xảy ra trong thời gian qua.

M.T