Cảm nhận từ “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện”

Thứ sáu, 18/12/2020 16:00

“Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện” là tựa đề tập Tiểu luận và bút ký của nhà văn Hồ Sĩ Bình, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành tháng 12-2020. Sách dày 254 trang, khổ 13 x 20,5cm, chia thành hai phần: phần 1 có tên “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện” gồm những bài viết về thiên nhiên, đất nước, con người từ những nơi chốn tác giả đã đi qua; phần 2 có tên “ Níu lòng câu chữ” gồm những bài viết về tác giả - tác phẩm văn học, mỹ thuật, âm nhạc được dư luận quan tâm.

Bìa sách “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện”.

Ngay khi lật tập sách ra, ấn tượng hấp dẫn đầu tiên khó thể tránh khỏi, là người đọc phải tìm ngay bài viết “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện”… vốn mượn ý từ một câu thơ nổi tiếng trong bài thơ “Không đề” của Tuệ Sĩ. Thế nhưng, thật ra, tác giả Hồ Sĩ Bình chẳng nói gì nhiều về bài thơ này, mà đó chỉ là cái cớ để anh nói chuyện này, chuyện nọ, nơi này, nơi khác, kẻ đấy, người đây qua cảm nhận của mình…

Bằng cách diễn đạt khá tinh tế, qua lối văn nhẹ nhàng, giàu chất thơ, “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện” đã dẫn dắt người đọc bước đi không mệt mỏi, từ  trang sách này, sang trang sách khác. Có thể đó là Luang Prabang, một thành phố cổ kính trên đất Lào, được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1975.  Ấy là điểm đến ấn tượng và cảm xúc về một cố kinh thấm đẫm không gian sống giao thoa của Phật giáo với yếu tố làng quê và phố thị. So với những thành phố khác ở Lào, Luang Prabang vẫn giữ cho mình một bản sắc riêng. Từ những chiêm nghiệm nơi đây, tác giả lại lo lắng nghĩ đến Hội An quê nhà trước hệ lụy của cơn lốc kinh tế thị trường… Có thể đó là Tiếng còi tàu cuối năm và những ký ức ở một miền quê của một thời thơ ấu: “Chỉ cần ngửi cái mùi của khói tàu xả lại trên sân ga, mùi khói của than đen ngòm, nói theo kiểu ngôn ngữ của thời nay thật là ô nhiễm với bọn trẻ ngày ấy chao ơi là quyến rũ, mê đắm. Đơn giản thôi, vì trong mùi khói đen ấy của con tàu và tiếng còi thúc hối giục giã vẫn là mơ ước của bọn trẻ con tội nghiệp nơi thị xã nghèo quê kiểng – giấc mơ được lên đường đi đây, đi đó khắp thế gian”. Có thể đó là Mùa thu không rụng lá ngô đồng, từ những ngày rong chơi ở Trung Quốc, bỗng gặp lại kỷ niệm một thời trong niềm xúc động thật kỳ lạ về những ngày tháng cũ ở Huế cùng với người bạn trong sự mê mải về loài cây ngô đồng và miền cổ thi đầy say đắm huyền hoặc… Hoặc là những Ký ức xe ngựa, Phố cây bàng, Huế chỉ còn trong tâm tưởng, Đường xưa áo lụa… mà “mỗi góc phố, mỗi vườn cây, mỗi ngôi nhà đều vấn vương ghi dấu những sự kiện gắn liền không thể phai mờ trên từng dòng sử ký của hơn 100 năm đầy những thăng trầm dâu bể”. 

Vốn là người đang làm công việc biên tập ở Nhà xuất bản, Hồ Sĩ Bình có thuận lợi trong việc tiếp cận các ấn phẩm của các nhà văn, nhà thơ quen thuộc trên văn đàn. Do đó, trong phần “ Níu lòng câu chữ”, anh đã có những chia sẻ, nhận định một cách có trách nhiệm với mỗi tác giả- tác phẩm mà anh giới thiệu đến bạn đọc. Chẳng hạn, về nhà văn Thái Bá Lợi qua tác phẩm Minh Sư có đoạn: “Trong văn chương của Thái Bá Lợi đều thể hiện tinh thần nhận thức lại lịch sử với mong muốn được nhận chân lại quá khứ một cách sâu sắc và toàn vẹn, hy vọng nối kết  với thực tại hôm nay  để khai phóng về phía tương lai. Minh sư đã mang đến cho người đọc hình tượng nhân vật Nguyễn Hoàng sống động, có chiều sâu nội tâm, một tư duy rất nhạy bén, một người lãnh đạo kỹ trị, con người cao cả nhưng giản dị gần gũi, nhân ái được mọi người kính mến”. Viết về nhà báo Nguyễn Hữu Hương: “Nhớ anh, tôi vẫn hay nghĩ về một chỗ ngồi nơi góc ngã tư Ông Ích Khiêm – Lê Duẩn ấy khi anh làm tờ Khoa học & phát triển, một khoảng thời gian không dài lắm nhưng để lại nhiều kỷ niệm khó quên, sớm chiều ngồi với nhau, chia sẻ và cảm thông những âu lo, thắc thỏm chuyện sống còn của tờ báo, kể cả niềm say mê, ước ao đến tận cùng với canh đồng chữ nghĩa nơi anh”. Về nhà văn Hoàng (tên thật là Hoàng Trọng Dũng) qua tập truyện Andersen ở Hà Nội: “Hoàng không phải nhà văn viết tiểu thuyết luận đề, nhưng thường mỗi truyện đều muốn chắt chiu một ý tưởng, khơi gợi một cách nhìn đến thế sự bằng con mắt hóm hỉnh thâm trầm. Văn của anh không thuộc về những người có thói quen đọc sách bằng cặp mắt lơ đãng. Có chăm chú mới đồng cảm sẻ chia cái thâm ý sâu xa quan điểm sống cùng anh”. 

Bên cạnh những tác giả - tác phẩm văn học, Hồ Sĩ Bình cũng dành nhiều trang viết về mảng mỹ thuật, qua các bài viết: Họa sĩ Trương Bé (Họa sĩ Trương Bé, người anh cùng quê), họa sĩ Vũ Dương (Trút hồn vào tranh), họa sĩ Duy Ninh (Duy Ninh và tranh thủ ấn họa)…                                                          

TRẦN TRUNG SÁNG