Cần 640 triệu USD thực hiện dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị

Thứ năm, 01/09/2016 07:57

(Cadn.com.vn) - Chiều 31-8, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và nhóm chuyên gia khảo sát, tư vấn nghiên cứu tiền khả thi Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị.

Thông báo tại buổi làm việc, ông Craig Andrew Crazny – Chuyên gia quốc tế về quy hoạch đô thị cho biết: Qua 9 tháng thực hiện dự án được xem là chỉ thị của Chính phủ Việt Nam cũng như mong muốn của chính quyền Đà Nẵng, đoàn đã nhận được sự quan tâm, hợp tác, hỗ trợ của rất nhiều cơ quan ban ngành của  TP, nhờ đó, kết quả khảo sát tiền khả thi của dự án rất thành công và trở thành bước đệm cho những khảo sát sắp tới. Khi dự án được thực hiện, sẽ bổ sung cho dự án đường sắt mới và nhà ga theo hướng: Tạo liên kết giao thông xanh giữa ga mới và trung tâm thành phố; khuyến khích phát triển sử dụng hỗn hợp xung quanh ga mới; nối cảng biển Liên Chiểu và các KCN lớn về phía Bắc ga hàng hóa; tạo cho nhà ga mới có sự tiếp cận tốt với các phương thức giao thông và đến các khu vực phát triển lân cận, các khu vực khác của TP. Bởi theo dự báo, đến năm 2030, dân số của Đà Nẵng sẽ tăng từ 1-2,6 triệu dân. Và trong tương lai, nhu cầu chuyển từ xe máy qua ô-tô nhiều, sẽ dẫn đến ùn tắc. Trong khi đó, tái phát triển khu vực nhà ga hiện trạng và các công trình phụ trợ theo nguyên tắc sẽ hướng đến sự phát triển bền vững.

Đại diện WB báo cáo tại buổi làm việc.

Đánh giá phương án của đơn vị tư vấn khi nghiên cứu 4 phương án về hướng tuyến cho thấy, lựa chọn cuối cùng phù hợp nhất là phương án 1A. Cụ thể, điểm đầu sẽ từ Km 777+250 ĐSTN (phía sau ga Kim Liên), đường sắt rẽ đến KCN Liên Chiểu đến điểm cuối là Km806+100 – tổng chiều dài 28,81km. Sở dĩ chọn phương án này là vì hướng tuyến này phù hợp với quy hoạch tổng thể của TP Đà Nẵng, đồng thời tận dụng hành lang tuyến được giữ lại và kết nối với cảng Liên Chiểu cũng như ga hàng hóa được quy hoạch. Bên cạnh đó, khi thực hiện phương án này còn cung cấp cơ hội kết nối ga mới với khu đô thị mới và các phương thức giao thông công cộng khác; có cơ hội sử dụng lại đoạn tuyến đường sắt hiện trạng về phía Bắc và Nam cho giao thông công cộng. Liên quan đến kinh phí đầu tư xây dựng dự án, đại diện tư vấn của WC cho hay, phải cần đến 640 triệu USD cho 2 cấu phần chính, trong đó: Cấu phần xây dựng nhà ga và đường sắt mới gần 255 triệu USD và cấu phần tái phát triển đô thị gần 385 triệu USD.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao kết quả khảo sát tiền khả thi của bộ phận tư vấn của WC đồng thời nhấn mạnh: Đây là dự án cấp bách của thành phố, không chỉ góp phần hoàn thiện việc kết nối hệ thống giao thông, tạo sự liên hoàn giữa giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy mà còn thúc đẩy dự án phát triển vùng lõi đô thị và khu vực phía tây bắc, xóa những khu nhà ổ chuột và những điểm đen về tệ nạn xã hội dọc tuyến đường sắt hiện tại.

Phía Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu đại diện các sở ngành liên quan tiếp tục cung cấp các bản đồ quy hoạch chung mới điều chỉnh của Đà Nẵng để đơn vị tư vấn có thể cập nhật vào ý tưởng thiết kế. Phó Chủ tịch mong muốn, ga mới Đà Nẵng sẽ tách ra làm hai phần, gồm ga hành khách và ga hàng hóa là ga hành khách mới đặt tại P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu và ga hàng hóa mới đặt tại P. Hòa Hiệp Nam sẽ sớm được đầu tư. “Các ban ngành có liên quan phải chuẩn bị tốt các nội dung để TP làm việc với Bộ GTVT về việc thực hiện dự án, cụ thể là phân công trách nhiệm các đầu việc. Trong bối cảnh nguồn đầu tư từ ngân sách gặp nhiều khó khăn, Đà Nẵng sẽ chủ động tìm kiếm các nguồn đầu tư để thực hiện dự án này, trong đó có việc kêu gọi xã hội hóa. Nếu được sự quan tâm, hỗ trợ của WB, đây sẽ là một trong những dự án sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất của WB” -  Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

C.Hạnh